TP.HCM: Nhiều kiểu mua hàng hóa, thực phẩm mới lạ xuất hiện mùa dịch

16:13 | 03/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
COVID-19 khiến nhiều người dân sống tại TP.HCM không thể ra khỏi nhà và phải tìm đến những cách đi chợ trực tuyến nhằm đảm bảo nhu cầu thực phẩm.

Nở rộ loại hình chợ online trên mạng xã hội 

Chán nản với cảnh xếp hàng trong nhiều tiếng đồng hồ mới mua được rau, thịt mà còn có khi chịu cảnh cháy hàng, nhiều người tại các khu vực trong TP.HCM tìm đến các loại chợ online mọc tự phát trên các hội nhóm Facebook. 

Theo phản ánh của Báo Thanh niên, một người lân la vào nhóm "Chợ Online Quận 7" cho biết hội nhóm này có tới gần 15.000 thành viên và với nhiều cá nhân rao bán từ thịt, cá, trái cây, rau củ quả đến đồ ăn sáng nấu sẵn như bún bò, bún thịt nướng, bánh mì, bánh ướt, chả lụa hay cả đồ ăn vặt như trà sữa, bánh tráng trộn...

Tài khoản có tên P.P chào bán: "Em có bán điểm tâm: Bún Thịt Nướng Lụi 28k/phần _40k/phần đầy đủ (1 xiên thịt nướng lụi có 7 thanh thịt + 3 cây chả giò chiên + bì nhà làm)...". Người khác thì quảng cáo về các món ăn sáng thường ngày mà cứ ngỡ mùa dịch không thể "chạm" được tới như bún bò, bánh ướt... 

TP.HCM: Nhiều kiểu mua hàng hóa, thực phẩm mới lạ xuất hiện mùa dịch - ảnh 1

Ảnh chụp màn hình. Nguồn: Báo Thanh niên

Một hội nhóm khác có tên "Chợ Onl Quận 4" với quy mô tương tự thì bán đủ loại các loại thực phẩm thường ngày từ rau củ đến trứng. Một người đã đăng bán trứng gà từ 38.000 đồng/10 trứng, trứng vịt 45.000 đồng/10 trứng, ba rọi 140.000 đồng/kg, nạc dăm 145.000 đồng/kg hay khoai lang 20.000 đồng/kg, trứng vịt 40.000 đồng/10 trứng, trứng vịt muối 65.000 đồng/10 trứng... 

So sánh với mức giá trên các siêu thị hay cửa hàng bán lẻ thì giá các mặt hàng thực phẩm đều thấp hơn hoặc ở mặt bằng chung so với các siêu thị, tuy nhiên mặt hàng trứng gà hay vịt lại có giá cao hơn. Có nơi "hét" giá lên đến 50.000 đồng/10 trứng so với mức 28.000 đồng/vỉ 10 trứng gà tại siêu thị. 

Các hình thức chợ online mọc lên như thế này có lợi cho người dân nhưng cần cảnh giác với các hình thức lừa đảo biến tướng theo kèm. Bởi bản chất vẫn chỉ là xuất hiện tự phát, không có các cơ quan quản lý đứng đằng sau để đảm bảo quyền lợi cho người mua hàng. Thậm chí, nhiều người bán hàng sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo, không rõ tên tuổi địa chỉ cụ thể khiến những người cả tin rất dễ "mắc bẫy". 

Nhiều người đặt mua hàng, thậm chí bằng tiền nhưng phải chịu cảnh người bán bỗng dưng xóa bài, biến mất. Tiền mất, để rồi ngậm ngùi bảo nhau tránh xa những tài khoản ảo, không đáng tin cậy kia. Trường hợp khác còn phản ánh với báo chí về tình trạng thực phẩm nấu sẵn như bún bò, bún riêu, bánh canh hay các loại bánh, đồ ăn vặt nấu không kỹ, mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Cục Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã liên tục khuyến cáo người tiêu dùng khi thực hiện mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, mua qua mạng. Hoạt động này rất dễ bị nhiều đối tượng lợi dụng sơ hở, lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân trong mô trường mạng... 

Trong khi đó, phía cung cấp thực phẩm cho rằng trong khi lượng hàng cung ứng cho các siêu thị vẫn đủ nhưng chính vì tâm lý e ngại mua trực tiếp khiến người dân bị một số đối tượng lợi dụng, ép giá cao hơn mặt bằng chung. 

Đến siêu thị cũng muốn triển khai mô hình "mua chung" thực phẩm

Được biết, sáng kiến của VinCommerce (công ty sở hữu Vinmart/Vinmar+) gửi đến Sở Công Thương TP.HCM để cung cấp hàng thiết yếu cho người dân TP.HCM trong tình hình thực hiện chỉ thị 16. 

Cụ thể, quy trình sẽ là mỗi xã, phường, tổ dân phố trên địa bàn TP.HCM sắp xếp một đơn vị hỗ trợ, cung cấp đầu mối cán bộ phụ trách. Khách hàng sẽ tìm kiếm thông tin điểm bán gần nhất hoặc gọi điện lên tổng đài để được cung cấp thông tin. Tiếp theo, người dân lựa chọn sản phẩm trên tờ rơi thiết yếu hoặc trên website, điền đầy đủ thông tin vào đơn đặt hàng, thanh toán và chuyển đơn hàng đến cán bộ phụ trách.

Nhiệm vụ của cán bộ phụ trách sẽ hỗ trợ tổng hợp đơn đặt hàng của người dân trên địa bàn. Sau đó, người này sẽ chuyển thông tin đến siêu thị gần nhất để xử lý đơn hàng; nhận hàng, và hỗ trợ chuyển phát đến khách hàng.

Hay Co.op cũng đang triển khai phương thức mua hàng theo combo tương tự. Theo đại diện của doanh nghiệp thì đây là phương án vừa đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân trong đại dịch, lại nhanh, có giảm tải cho nhân viên bán hàng. Đồng thời hoạt động này giảm được khả năng lây nhiễm bệnh.

Sở Sở Công Thương TP.HCM đánh giá cao những nổ lực chuyển đổi mô hình, phương pháp bán hàng của doanh nghiệp, đồng thời cũng khuyến cáo nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi chuyển đổi thành chuỗi kinh doanh mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống để tăng năng lực cung ứng cho người dân. 

Bên cạnh các phương thức mua hàng linh hoạt kể trên, hiện tại người dân và các tiểu thương tại Sài Gòn cũng quan tâm đến nền tảng Zalo OA với tên gọi "Đi chợ mùa COVID". Thanh toán bằng ZaloPay, trò chuyện trực tiếp với người bán và theo dõi tình trạng đơn hàng là những ưu điểm mà hệ thống mới của Zalo được đánh giá cao. 

Mô hình trên cũng được triển khai và phổ biến tại các siêu thị trên địa bàn thành phố và nhận được sự quan tâm lớn, hứa hẹn sẽ là một kênh mua sắm hữu ích cho người dân trong mùa dịch.

 H.S (T/h)

Xem thêm: Đi chợ những ngày TP HCM giãn cách