Tp.HCM sẽ nâng cấp hàng loạt tuyến quốc lộ cửa ngõ với tổng kinh phí 18.000 tỷ đồng
Tp.HCM vừa công bố kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 10 năm (2020-2030) với kế hoạch nâng cấp, mở rộng 4 tuyến quốc lộ 1, 13, 22 và 50 sẽ tiến hành từ 2021 – 2025.
Tổng kinh phí dự toán sẽ rơi vào mức 18.000 tỷ đồng, dự kiến chủ trương đầu tư sẽ thông qua vào năm 2021.
Dự án mở rộng quốc lộ 50: Đoạn qua huyện Bình Chánh tổng giá trị gần 1.500 tỷ đồng. Tuyến đường đang tồn tại rất nhiều nhược điểm như: mặt đường hẹp, chỉ có 2 làn xe hỗn hợp. Thường xuyên ùn tắc và xảy ra tai nạn giao thông...
Phần công trình có độ dài dự kiến gần 7 km, mở rộng lên 34 m. Sẽ thi công làm 2 đoạn: đoạn một dài hơn 4,3 km xây tuyến đường mới song hành với quốc lộ 50, đoạn còn lại dài hơn 2,5 km mở rộng đường hiện hữu. Ngoài ra sẽ có thêm 2 cầu Bà Lớn và Ông Thìn được xây đồng bộ. Về tổng mức đồng tư, sẽ trích từ nguồn vốn dự kiến hơn 687 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách từ thành phố.
Sở Xây dựng Tp.HCM đã làm báo cáo trình lên HĐND thành phố về đề xuất đầu tư công trình này, dự kiến thực hiện từ năm 2021 và kéo dài đến năm 2023.
Hình ảnh ùn tắc tại tuyến quốc lộ 50
Dự án mở rộng quốc lộ 1: Tiến hành từ đoạn nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận (huyện Bình Chánh). Được biết, tuy là tuyến đường cửa ngõ kết nối thành phố với các tỉnh phía Tây, Tây Nam nhưng vô cùng nhỏ hẹp, chưa phân rõ làn đường cho các loại phương tiện. Cũng chính bởi tính chất quan trọng mà tuyến đường thường xuyên có mật độ, lưu lượng xe cao, đang liên tục gia tăng nên thường xuyên ùn tắc, nhất là các dịp nghỉ lễ, tết…
Dự kiến, dự án sẽ dài 2,5 km, mở rộng lên 120 m. Chính quyền sẽ xây dựng 10 làn xe, tạo ra làn vỉa hè hai bên và để lại một phần đất dự trữ. Tổng số tiền cho dự án rơi vào khoảng 3.353 tỷ đồng.
Quốc lộ 13: Dự án mở rộng sẽ trải dài từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước thuộc địa phận thành phố Thủ Đức. Có độ dài hơn 4,5 km, phần mở rộng khoảng 53 - 60 m, với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Đây là tuyến quốc lộ đóng vai trò cửa ngõ kết nối địa phương về phía Đông Bắc với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Do đó, ngoài phần 4,5 vừa đề cập ở trên thì quốc lộ 13 còn dự án nâng cấp, mở rộng từ ngã tư Bình Phước đến phần giáp ranh tỉnh Bình Dương, dài khoảng 1km, mở rộng lên 53 m, vốn đầu tư ước tính khoảng 2.200 tỷ đồng.
Tất cả các dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng góp phần giảm ùn tắc, nâng tầm vùng đô thị khu vực phía Đông của thành phố. Bên cạnh đó các tuyến đường mới sẽ giúp kết nối vành đai 2 và đoạn cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sắp đầu tư trong thời gian tới.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22: đoạn từ nút giao ngã tư An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa. Độ dài theo kế hoạch khoảng 5,4 km sẽ được tuyến đường sẽ được mở rộng thêm từ 4 - 8 làn xe. Dự án còn kèm thêm 2 công trình là hai cầu vượt tại các nút giao Nguyễn Ảnh Thủ và Nguyễn Văn Bứa.
Được biết, thực trạng của quốc lộ 22 trong thời gian vừa qua ghi nhận mật độ xe rất cao, gây ùn tắc thường xuyên giờ cao điểm. Bởi tuyến này là cửa ngõ phía Tây Bắc, kết nối Tp.HCM (qua Củ Chi) sang tỉnh Tây Ninh, qua cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia.
Tổng vốn đầu tư sẽ vào khoảng 935 tỷ đồng, sẽ tiến hành ưu tiên thực hiện từ nay và hoàn thành vào năm 2025.
Ngoài các dự án cấp thiết cấp thiết kể trên, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông tại thành phố sẽ triển khai theo lộ trình ưu tiên dự án trọng điểm, cấp bách và tiến hành đồng bộ đến năm 2030. Tp.HCM đang có nhu cầu thu hút vốn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông khoảng 553.500 tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm sắp tới, riêng năm 2021 cần 137.638 tỷ đồng.
H.S
Xem thêm: Tp.HCM đầu tư 1.500 tỷ đồng cho dự án xử lý ùn tắc tại Quốc lộ 50