TP.HCM xin Thủ tướng được áp dụng quy định riêng để mở cửa nền kinh tế

16:45 | 26/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa gửi văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc áp dụng quy định riêng đối với thành phố khi mở cửa kinh tế.

Theo UBND TP.HCM, thành phố đánh giá cao nỗ lực xây dựng hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" mà Chính phủ đã hướng dẫn để TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên thành phố muốn kiến nghị Thủ tướng xem xét một số quy định riêng, bởi tính đặc thù của địa bàn trong điều kiện đang có dịch bệnh.

Cụ thể, TP.HCM mong muốn được áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế trong thời gian kiểm soát dịch bệnh. Sau khi có cơ chế riêng, TP.HCM sẽ phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu và báo cáo cụ thể với Thủ tướng về những quy định mới để có điều kiện mở cửa nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ được ưu tiên vaccine Covid-19 cùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn, tạo điều kiện cho việc mở cửa nền kinh tế.

Lãnh đạo TP.HCM từng nhiều lần hy vọng sớm khống chế được dịch Covid-19 để đưa cuộc sống trở lại bình thường. (Ảnh: Dân trí)

3 chỉ số bắt buộc và 4 cấp đánh giá nguy cơ

Theo hướng dẫn "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đang dự thảo và chỉnh sửa, có 3 chỉ số bắt buộc đối với các địa phương, gồm:

- Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19;

- 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% số xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng;

- Các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.

Hai chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần và tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm 4 cấp: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới - tương ứng với màu xanh), cấp 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng), cấp 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam), cấp 4 (nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ). Theo đó, chỉ số bắt buộc áp dụng nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tình hình dịch bệnh tại TP.HCM hiện nay, nếu áp các chỉ số này vào để đánh giá nguy cơ dịch bệnh, TP.HCM sẽ nằm nhóm nguy cơ 3 hoặc 4. Như vậy các các biện pháp được áp dụng sẽ rất hạn chế và việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.

Dự kiến 3 giai đoạn mở cửa

Trước đó, UBND TP.HCM đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn sau ngày 15/9 để xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, tham vấn ý kiến chuyên gia, người dân.

Cụ thể, giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 đến 31/10), cá nhân, lao động có "thẻ xanh Covid-19" có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Cá nhân, lao động có "thẻ vàng Covid-19" có xét nghiệm âm tính với Covid-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể.

Điều kiện cần để mở cửa là TP.HCM phải bao phủ vaccine.

Riêng tổ chức có 100% "thẻ xanh Covid-19" được tham gia tất cả lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Bộ phận có tiếp xúc người ngoài thì phải sử dụng 100% lao động có thẻ xanh.

Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10 đến 15/1/2022), thành phố sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho người có "thẻ xanh Covid-19" gồm: Trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).

Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), thành phố lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có "thẻ xanh Covid-19".

Theo kế hoạch này, lộ trình mở cửa nền kinh tế của thành phố phụ thuộc nhiều vào mức độ và khuyến nghị của ngành y tế về diễn biến dịch để có những điều chỉnh nới lỏng hoặc thắt chặt hơn.

Thành phố nghiên cứu chính sách đặc thù cho người có "thẻ xanh Covid". Theo đó, chỉ cần tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (đối với vaccine phải tiêm 2 mũi) và phải ít nhất 2 tuần sau tiêm hoặc người đã mắc Covid-19 và có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly sẽ đủ điều kiện có "thẻ xanh Covid".

 

Chống Covid-19 là “cuộc chiến lâu dài”

Theo  PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y Dược TP.HCM), chống Covid-19 là “cuộc chiến lâu dài”. Chúng ta có thể quét sạch lần này nhưng cũng không đảm bảo Covid-19 sẽ không đến lần nữa. Chúng ta có thể tiêu diệt Covid-19, nhưng không thể tiêu diệt trong hôm nay, tháng này, năm nay mà phải trong những năm tới cùng các quốc gia khác chứ không thể đơn độc.

Do đó, xét về tổng thể, TP.HCM cần xác định “sống chung” với dịch bệnh và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi. Bởi nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách sẽ thiệt hại rất nhiều. Nếu tiêm chủng đủ, nên mạnh dạn trong mở cửa. Trước hết, cần tính toán mở lại các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trước. Nếu có trường hợp dương tính tại một số doanh nghiệp thì đương nhiên phải cách ly nhưng các trường hợp còn lại có thể chỉ cần xét nghiệm để xác định ca mắc, có biện pháp xử lý phù hợp, thay vì bắt đóng cửa, dừng hoạt động cả doanh nghiệp.

GS.TS Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM nhấn mạnh, điều kiện cần để mở cửa là phải bao phủ vaccine, điều kiện đủ là 5K và các yếu tố khác. GS.TS Lê Hoàng Ninh đề nghị, thay vì nói là “5K + vaccine” thì cần chuyển trọng tâm ngược lại thành “Vaccine + 5K”, ưu tiên vaccine.

Thống nhất cần mạnh dạn từng bước nới lỏng, GS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP.HCM đề nghị, cần tập trung bao phủ vaccine và can thiệp sớm tại cộng đồng đối với F0. Theo đó, nguồn lực lúc này cần được tập trung vào bao phủ vaccine tới người dân, nhất là đối với người có nguy cơ cao, người trên 65 tuổi. Bên cạnh đó, TP.HCM cần chuẩn bị, tăng cường hệ thống y tế để chăm sóc F0 tại cộng đồng, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời cho F0 khi có yêu cầu chăm sóc y tế.

Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng: Hiện không thể nói mở hay không mở cửa, mà phải nói rằng không thể không mở cửa.

Theo ông, hệ lụy đối với việc tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong năm 2021 và những năm tiếp theo là cái giá phải trả rất lớn về kinh tế. Đối với doanh nghiệp đó là sự kiệt quệ mà nếu không kịp thời cứu thì doanh nghiệp sẽ chết, sau này có cứu cũng muộn màng. Đối với người dân, sau 3,5 tháng giãn cách, tỉ lệ hộ nghèo đang gia tăng, sức chịu đựng của người dân cũng cạn. Bên cạnh đó, ngân sách cũng đang gặp khó khăn. Ngoài ra cũng không thể tính hết được là các tổn thương về tinh thần, tâm lý…

Nhìn chung, đứng từ góc độ kinh tế, từ doanh nghiệp, từ người dân, từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương và các chi phí khác về mặt xã hội,.. chuyên gia cho rằng: Chúng ta không thể không mở cửa.