Quảng Bình: Sẽ có lộ trình điều chỉnh giãn cách xã hội, sớm phục hồi kinh tế
Sớm phục hồi sản xuất kinh doanh
Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định về việc chuyển trạng thái mới các mức độ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Từ chủ trưởng của UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh.
Quyết định này dựa trên tình hìch dịch bệnh đang có xu hướng giảm mạnh tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, số lượng các ca dương tính trong cộng đồng đã giảm đáng kể; nhiều ổ dịch tại TP. Đồng Hới, huyện Bố Trạch… của chuỗi lây nhiễm này đã không xuất hiện các ca dương tính mới.
Bí thư UBND tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng cho rằng, Quảng Bình sẽ sớm được điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội theo lộ trình chặt chẽ, đảm bảo không cho dịch bệnh bùng phát trở lại, hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân từng bước trở lại bình thường.
Theo ông Vũ Đại Thắng, để đạt được những thành quả trên là nhờ sự tuân thủ, chấp hành của người dân trong việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong thực hiện quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, các lực lượng tuyến đầu đã rất quyết liệt, khoa học, tận dụng “thời gian vàng” để xác định nguồn lây, ổ dịch, khoanh vùng, tổ chức cách ly, xét nghiệm thần tốc để bóc tách F0, F1 đưa đi thu dung, điều trị, cách ly.
Ngoài ra, cơ sở vật chất cùng với nguồn nhận lực phục vụ cho công tác truy vết, xét nghiệm, điều trị cũng đã được huy động kịp thời, đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong việc lấy mẫu và điều trị cách bệnh nhân. Đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế nhiệt tình, tâm huyết, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chăm sóc bệnh nhân.
Cũng theo Bí thư UBND tỉnh, Quảng Bình sẽ có lộ trình cụ thể nhằm đưa đời sống, sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại bình thường, để học sinh được đến trường, công nhân trở lại nhà máy, công trường, nông dân được ra đồng sản xuất, ngư dân được bám biển vươn khơi góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, các hoạt động thương mại, đầu tư được khôi phục.
Cụ thể, các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được điều chỉnh phù hợp với từng địa bàn dựa trên mức đánh giá nguy cơ, phòng chống dịch của địa phương đó. Các xã, phường, thị trấn được đánh giá đã giảm mức nguy cơ về dịch bệnh thì sẽ được nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách để phục hồi lao động, sản xuất kinh doanh.
Đối với các xã, phường, thị trấn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cao, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng với mục tiêu cụ thể về thời gian, không kéo dài và kế hoạch xét nghiệm toàn diện, nhiều vòng nhằm sớm bóc tách toàn bộ F0. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động an sinh xã hội, đảm bảo đời sống vật chất tinh thần để người dân an tâm thực hiện giãn cách xã hội.
Đảm bảo kiểm soát dịch bệnh
Trong cuộc họp của Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch mới đây, ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất cao và nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn đến bùng phát dịch trở lại. Vì vậy, công tác kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn phải đảm bảo vững chắc, đúng phương pháp và hiệu quả.
“Diễn biến của dịch bệnh còn hết sức phức tạp, đòi hỏi lãnh đạo các địa phương, trung tâm chỉ huy các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sát sao công tác phòng, chống dịch của địa phương, đơn vị. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19", ông Trần Thắng cho biết.
Trong thời gian tới, từ ngày 16/9 cho đến khi tỉnh khống chế được dịch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thống nhất, đồng bộ về tận xã, phường, thị trấn để tổ chức lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng, chống thiên tai tại các cơ sở sản xuất trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh như quyết định đã ban hành.
Ngoài ra, Bí thư UBND tỉnh Vũ Đại Thắng cũng cho biết, Quảng bình cần tiếp tục tăng cường xét nghiệm tầm soát dịch bệnh tại các nơi tập trung đông người, như: cảng biển, sân bay, ga tàu, bến xe, cảng cá, chợ, siêu thị…. Triệt để tuân thủ các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Thời gian tới, nguy cơ các nguồn lây nhiễm mới từ nhập cảnh, di chuyển của người dân, lái xe, ngư dân về từ các vùng dịch… là rất lớn. Do đó, các lực lượng cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, hiệu quả và kinh nghiệm chống dịch suốt thời gian qua, tăng cường kiểm soát để ngăn chặn các nguồn lây nhiễm tại tất cả các cửa ngõ vào địa bàn tỉnh, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Để bảo đảm sự bền vững cho phòng, chống dịch, cần nỗ lực tranh thủ tối đa nguồn vắc xin Trung ương cấp để kịp thời tiêm cho các đối tượng theo đúng quy định.
Nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu và áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 105 của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết triệt để các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy việc khôi phục nền kinh tế trong thời gian sớm nhất.
Tính đến 6 giờ ngày 18/9, Quảng Bình ghi nhận 1.465 ca bệnh Covid-19; trong đó có 508 ca đã được điều trị khỏi bệnh; đã có 109.806 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm cho các đối tượng; hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm RT- PCR đã được thực hiện mỗi ngày và các trường hợp F0 được bóc tách, F1, F2 được truy vết nhanh, đưa đi cách ly tập trung và tổ chức cách ly tại nhà để khoanh vùng, khống chế dịch.