TP Hồ Chí Minh: Dư nợ tín dụng tăng 3,5% so với cuối năm 2022
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tại TP Hồ Chí Minh cao hơn của cả nước, trong đó dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Đây là các khoản vay ngắn hạn bằng VND có lãi suất thấp dưới 5,5%/năm (hiện nay là 4%/năm), có tác động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất, các ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh đã cho vay với dư nợ tín dụng đạt gần 19.000 tỷ đồng. Số tiền lãi hỗ trợ đạt hơn 126 tỷ đồng cho 308 doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện dự án xây nhà ở xã hội.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, để đạt được kết quả này, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, với điểm nhấn là chính sách về lãi suất và tín dụng. Theo đó, việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã giúp lãi suất cho vay giảm theo, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính, chí phí vốn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, các chính sách về tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… có tác động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về nguồn vốn, về dòng tiền để duy trì, ổn định và phục hồi tăng trưởng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đối mặt nhiều khó khăn, lạm phát ở mức cao, lãi suất tăng liên tục đã tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như gây áp lực lên điều hành tỷ giá. Trong bối cảnh đó, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng vẫn duy trì sự ổn định.
Nhờ vậy, lãi suất cho vay ngoại tệ thấp, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ đạt khoảng 177.000 tỷ đồng. Đây là các khoản vay ngoại tệ có điều kiện, song lãi suất vay ngoại tệ tương đối thấp và ổn định đã và đang hỗ trợ rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu tăng trưởng và phát triển.
Đối với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho 47.846 khách hàng vay, đạt 283.000 tỷ đồng, bằng 60% gói tín dụng đã đăng ký.
Riêng dịch vụ thẻ tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng tích cực. Với số lượng thẻ đang hoạt động đạt khoảng 18,5 triệu thẻ; số lượng máy ATM đạt 4.106 máy, giảm 0,19% so với cuối năm 2022; số lượng máy POS đạt 135.876 máy, tăng 8,25%. Trong khi đó, số lượng điểm chấp nhận thẻ đạt 90.314 điểm, tăng 8,34% so với cuối năm 2022.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, trong 6 tháng cuối năm, các tổ chức tín dụng và ngành Ngân hàng cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước theo Chỉ thị 01 và các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp tốt, không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ ngành, mà còn tác động tích cực đối với chính sự phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững của chính các tổ chức tín dụng và của ngành Ngân hàng.