TP Hồ Chí Minh: Không phát sinh ổ dịch COVID-19 mới trong 6 ngày qua
Không phát sinh ổ dịch mới
Ngày 20/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh thông tin cho cho biết trong vòng 6 ngày qua TP không phát sinh ổ dịch mới, hiện còn 17 ổ dịch đang diễn tiến.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến 6h ngày 20/8, TP ghi nhận 166.679 ca mắc COVID-19, trong đó có 407 ca nhập cảnh.
Hiện TP đang điều trị 33.646 bệnh nhân, trong đó có 1.964 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.323 bệnh nhân nặng đang thở máy. Trong ngày 19/8, có 2.600 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số xuất viện cộng dồn từ đầu năm đến nay là 83.041 bệnh nhân) và 307 ca tử vong. 6 ngày qua TP không phát sinh ổ dịch mới cần theo dõi. Hiện còn 17 ổ dịch đang diễn tiến.
TP Hồ Chí Minh: Không phát sinh ổ dịch COVID-19 mới trong 6 ngày qua
Hiện TP có 40.451 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, trong đó có 19.243 F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 21.208 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.015 người.
Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.064 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 16.162 người.
Về tiêm vaccine phòng Covid-19, trong ngày 19/8, TP Hồ chí Minh đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 123.523 người, tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định. Tính từ khi bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết ngày 19/8, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 5.190.971 người, trong đó có 171.067 người được tiêm mũi 2, tất cả đều an toàn.
Từ ngày 23/8, Thành phố sẽ tăng cường thực hiện 5 nhóm giải pháp: người dân đảm bảo việc thực hiện quy định vào giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly phường xã thị trấn; Tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tỉ lệ tử vong; Tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực vùng đỏ; Tăng cường đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho người dân; Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn TP.
Cần người dân bình tĩnh mua sắm
Trưa 20/8, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, TP Hồ Chí Minh đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn. Vì vậy, Thành phố đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện 5K, không tập trung mua gom hàng hóa, thực phẩm. Thành phố đã chuẩn bị các phương án cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch nêu trên.
Trưa 20/8, người dân xếp hàng chờ vào một cửa hàng tiện lợi mua sắm thực phẩm vì lo sợ TP Hồ Chí Minh siết chặt biện pháp giãn cách từ ngày 23/8 (ảnh TTXVN).
Theo ghi nhận từ báo Tin Tức tại siêu thị Co.op Mart Xa lộ Hà Nội, Bách Hóa Xanh (thành phố Thủ Đức), Aoen Mall Tân Phú (quận Tân Phú), Saigon Co.op đường Quang Trung (quận Gò Vấp)… lượng khách hàng đến mỗi lúc một đông. Ngoài xếp hàng đến lượt vào siêu thị, tại khu vực gửi xe người dân phải xếp hàng dài.
Chị Lê Thị Thanh Hoa, ngụ ở phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức cho biết, khi nghe thông tin thành phố sẽ siết chặt giãn cách từ ngày 23/8 nên chị đã vội đi siêu thị gần nhà để mua thêm ít thực phẩm dự trữ.
“Mặc dù có đông người mua sắm nhưng các mặt hàng rau củ, thịt cá đều còn khá nhiều và phong phú. Chỉ có khu vực thanh toán là phải chờ đợi lâu vì lượng người đi siêu thị hôm nay đông hơn những ngày trước. Đa số, người dân đến siêu thị chủ yếu mua thực phâm thiểu yếu như: rau, củ, quả, thịt và trứng… Tuy nhiên, ở quầy thực phẩm đồ khô như: mì tôm, đồ hộp, trứng gà, vịt... khá thưa thớt, không có nhiều loại”, chị Hoa nói
Đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho biết, sáng 20/8, lượng khách tăng đột biến, gấp 3-4 lần so với ngày thường tại hầu hết các siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Một số siêu thị từ 11 giờ trưa đã xảy ra tình trạng hết hàng cục bộ, nhân viên kho hàng không thể cập nhật kịp lên kệ hàng vì lượng người đổ đến mua sắm khá đông.
Bên trong các siêu thị Saigon Co.op, khu vực đông khách nhất là quầy thực phẩm, rau xanh, thịt cá... (ảnh TTXVN).
Tuy nhiên, đại diện siêu thị Saigon Co.op khuyến cáo, hàng hóa thiết yếu đang phong phú, các hệ thống siêu thị đang tăng công suất phục vụ và hàng hóa thực phẩm không thiếu nên người dân cần bình tĩnh, tránh đổ xô đi mua hàng hóa để đảm bảo an toàn giãn cách trong mùa dịch.
Tương tự, các hệ thống siêu thị như Aeon Mall, Mega Market, Satra, Vinmart, Bánh hóa Xanh… đã có phương án dự trữ hàng hóa, đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm cho người dân. Theo đó, đa số các hệ thống siêu thị tiếp tục tăng lượng hàng thiết yếu và thực phẩm dự trữ từ 1-3 tháng để phục vụ nhu cầu mùa sắm của người dân trong mùa dịch.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.
Dành tất cả những gì tốt nhất cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch
Theo VietNam+ vào tối 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Tại cuộc họp Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, các địa phương tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội ít nhất trong 2 tuần tới, với mức độ phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế.
Các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội phải xác định phạm vi kiểm soát là từ xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp, với phương châm “mỗi xã, phường, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sỹ.”
Các khu vực giãn cách xã hội tổ chức đồng bộ từ y tế, hậu cần, an sinh xã hội, an ninh trật tự ngay tại cơ sở, với tinh thần không được để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng mọi yêu cầu y tế cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trên cơ sở đó lập các tổ công tác, trạm cung ứng, y tế lưu động. Tổ chức khám, chữa bệnh ngay từ đầu, ngay tại cơ sở để phân loại, đáp ứng phù hợp; tổ chức hậu cần, cấp phát lương thực, thực phẩm ngay tại phường, xã, ngõ, xóm, tổ dân phố, thậm chí tới từng hộ dân; tổ chức vận động nhân dân “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt là đối với những người dân, lao động không tự ý ra khỏi vùng dịch về quê, vì sức khỏe chính mình và vì cộng đồng...
Trong công tác xét nghiệm, bóc tách F0, điều trị bệnh nhân COVID-19, Thủ tướng yêu cầu: Thần tốc xét nghiệm để xác định nguồn lây, tách ra khỏi cộng đồng; phân loại bệnh nhân để áp dụng và phân luồng điều trị tại gia đình hoặc tập trung; tăng cường nhân lực, phương tiện cho các cơ sở y tế để cứu chữa bệnh nhân COVID-19 giảm tối đa ca tử vong.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương xác định các điểm xanh, vùng xanh để bảo vệ chặt và mở rộng dần; xem xét khả năng di dời, giãn dân khỏi vùng dịch, chống lây nhiễm; tổ chức tập huấn cho đội ngũ các chuyên khoa khác thêm chuyên môn hồi sức cấp cứu, chữa trị bệnh COVID-19; nghiên cứu phối hợp phương pháp điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 bằng cả y học hiện đại và y học cổ truyền; tổ chức hợp tác công-tư để cùng phòng, chống dịch; xem xét mở rộng đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân khu vực phải giãn cách xã hội; tuyên truyền kịp thời, đầy đủ và phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch, đồng thời đấu tranh thông tin xấu độc...
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi cả nước đồng lòng, chung sức cùng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để chống dịch. Ngoài các lực lượng công an, quân đội, y tế, cả hệ thống chính trị và các lực lượng cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên... tại chỗ và chi viện từ Trung ương, các tỉnh, thành phố cùng vào cuộc tích cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để phối hợp thực hiện. Trong đó công tác chỉ đạo, điều phối các nguồn lực chi viện, hỗ trợ và nguồn lực tại chỗ phải được tập trung, thống nhất; các lực lượng phối hợp hoạt động trơn tru, hệ thống vận hành hiệu quả; trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh thì tiếp tục bàn, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, vì mục tiêu cao nhất là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Nguyễn Triệu (T/h)
Xem thêm: Những hi sinh thầm lặng của lực lượng công an trên mặt trận chống dịch COVID-19