"TP Thủ Đức có 3 khu chế xuất sắp hết hạn sử dụng, có thể quy hoạch lại để tạo lợi thế quỹ đất"
Sáng ngày 5/3, UBND TP Thủ Đức đã tổ chức buổi "Tọa đàm doanh nghiệp Đóng góp ý tưởng Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức".
Chia sẻ tại sự kiện, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho hay, năm 2021, TP Thủ Đức đã thu ngân sách 10.350 tỷ đồng, một con số ấn tượng với một thành phố chỉ mới 1 năm tuổi, song chỉ mới chiếm khoảng 2,7% tổng thu ngân sách của TP HCM và chỉ bằng 56% thu ngân sách của quận 1.
Như vậy, mục tiêu GRDP của TP Thủ Đức chiếm 30% tổng thu của TP HCM vẫn sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Theo ông Châu, quy hoạch chung TP Thủ Đức hướng đến trở thành một đô thị có tính sáng tạo, tương tác cao, được xây dựng dựa trên ba trụ cột chính.
"Trụ cột đầu tiên là Nhà nước, tôi thấy ở nhiều quốc gia, người ta giao thẩm quyền hoàn toàn cho chính quyền cấp thành phố quyết định mọi vấn đề đầu tư xây dựng trên địa bàn để đạt được sự tương tác cao với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết nhanh các hồ sơ dự án
Trụ cột thứ hai là sáng tạo, TP Thủ Đức tập trung nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao khi có Đại học Quốc gia và nhiều trường đại học khác, có khu công nghệ cao thành công bậc nhất cả nước hiện nay như vậy chúng ta có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu sáng tạo.
Trụ cột thứ ba là cộng đồng doanh nghiệp, đây là yếu tố then chốt. Tôi cho rằng, TP Thủ Đức chỉ cần phát triển dựa trên quy hoạch đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, như vậy chúng ta không cần lo về nguồn vốn.
Chúng ta cần phải hiểu, nguồn vốn ngân sách cho TP Thủ Đức chỉ là vốn mồi mà thôi, còn động lực tăng trưởng chính là nguồn vốn từ xã hội, cộng đồng doanh nghiệp. Các khu đô thị thông minh trên thế giới đều phát triển dựa vào các tập đoàn lớn của quốc gia đô, điển hình như ở Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trước mắt, TP Thủ Đức theo tôi phải tập trung phát triển về hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu đô thị. Chúng ta đã được Trung ương quyết định đầu tư tuyến metro số 1 và mở rộng xa lộ Hà Nội. Tuyến metro sẽ được kết nối lên Bình Dương, Biên Hòa.
Thành phố cũng sẽ được mở rộng Quốc lộ 13 đoạn nối Bình Dương - Cầu Bình Triệu; mở rộng xa lộ Đại Hàn (quốc lộ 1); khép kín vành đai 2; đầu tư đường vành đai 3 trong đó có đoạn kết nối từ Nhơn Trạch đi qua TP Thủ Đức.
Ngoài ra, trong nhiệm vụ quy hoạch chung mà Trung ương định hướng cho TP Thủ Đức còn có đường Nguyễn Duy Trinh ở quận 2 lên đường Tam Đa ở phía đông TP Thủ Đức...
Như vậy, tôi nhấn mạnh hạ tầng giao thông sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của TP Thủ Đức.
Tôi đọc Quyết định của Thủ tướng, nhiệm vụ quy hoạch TP Thủ Đức được đặt trong phạm vi nghiên cứu trên 21.000 ha.
Song, một mục tiêu gián tiếp còn quan trọng hơn đó là liên kết TP Thủ Đức với phần còn lại của TP HCM, các huyện, thị xã các tỉnh ban giáp ranh Thủ Đức và nằm trong tổng thể vùng TP HCM. Nếu chúng ta thực hiện được định hướng này thì TP Thủ Đức sẽ phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Chúng ta còn có thêm một quỹ đất lớn, đó là các khu chế xuất Linh Trung 1, 2, 3 sắp hết thời hạn sử dụng, chúng ta hoàn toàn có thể tính toán quy hoạch lại, tạo thành lợi thế phát triển, thu hút những doanh nghiệp lớn về đầu tư.
Trên thực tế, tại TP Thủ Đức hiện đã có nhiều tập đoàn lớn hiện diện như Vingroup, Vạn Phúc, Him Lam, Khang Điền, Tiến Á, Sơn Kim,... và sắp tới còn có Hưng Thịnh, Phúc Khang sẽ làm những dự án lớn.
Và một điều rất quan trọng nữa, TP Thủ Đức nên tập trung tìm kiếm những nhà đầu tư chiến lược để xây dựng trung tâm tài chính tại Thủ Thiêm, đây là một trong các cực phát triển của Thủ Đức trong tương lai", Chủ tịch HoREA bày tỏ.