TPS dự báo tăng trưởng GDP năm nay cao nhất 6,3%, xuất khẩu vượt 430 tỷ USD
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các tổ chức kinh tế đều đánh giá khá lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2024, với mức tăng trưởng GDP dự phóng dao động trong khoảng từ 5,5% - 6,7%.
Ở góc nhìn lạc quan, IMF gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 lên tới 6,7% so với mức 6,0% trong báo cáo trước đó, cùng kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội từ số hóa. ADB và Standard Chartered đều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,0%. Thận trọng hơn, WB đưa ra mức tăng trưởng Việt Nam năm 2024 khoảng 5,5% trong cả 2 báo cáo được phát hành từ đầu năm đến nay.
Trong báo cáo vĩ mô mới nhất, Chứng khoán Tiên Phong (TPS0 giảm dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2024, trong khoảng 5,8% - 6,3% so với mức 6,2% - 6,5% đưa ra hồi quý I. Cùng đó, TPS hạ dự báo tăng trưởng GDP quý II xuống còn 6,0% so với mức dự báo 6,3% trước kia.
Dự báo được đưa ra dựa trên các luận điểm về sự phục hồi của sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng, cùng đó là triển vọng dòng vốn FDI ổn định.
Cụ thể, về sản xuất, trong 5 tháng đầu năm 2024, có tới 4 tháng chỉ số quản lý thu mua (PMI) đạt trên ngưỡng 50, thể hiện sự mở rộng của sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt là các nhóm ngành chế biến, chế tạo; phân phối điện và cung cấp nước.
Nhóm phân tích TPS kỳ vọng lĩnh vực sản xuất được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2024 khi các đơn hàng xuất khẩu mới tăng đột biến gần đây, dòng vốn FDI tiếp tục ổn định và sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực tiêu dùng.
Về xuất khẩu, TPS dự báo kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu năm 2024 của Việt Nam lần lượt đạt 431 tỷ USD(+21,5% svck) và 379 tỷ USD(16,1% svck). Dự báo dựa trên kỳ vọng lạm phát ở các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang hạ nhiệt, các NHTW đang hoặc tiến tới thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy tiêu dùng ở những thị trường này. Cùng đó, nhiều mặt hàng tiến tới ưu đãi về mặt thuế quan theo tiến trình của các hiệp định FTA.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều, đưa Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Việt Nam có lợi thế về năng lượng tái tạo, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ. Đáng chú ý, nguồn khoáng sản hiếm cũng sẽ là yếu tố tích cực cho dòng vốn FDI khi lĩnh vực bán dẫn phát triển.
Thực tế, lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu ghi nhận lần lượt là 156,77 tỷ USD (+15,2% svck) và 148,76 tỷ USD (+18,2% svck), nhờ đơn hàng xuất khẩu mới tăng mạnh khi các thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản phục hồi tích cực.
Về FDI, nhóm phân tích đưa ra dự báo FDI giải ngân và đăng ký năm 2024 lần lượt là 25,5 tỷ USD (+9,9% svck) và 37,5 tỷ USD (+2,5% svck).
Triển vọng giải ngân FDI năm nay được TPS đánh giá khá tích cực nhờ kỳ vọng việc Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định FTA, trong đó có rất nhiều FTA có quy mô thị trường rộng lớn như CPTPP, EVFTA, RCEP…sẽ giúp các doanh nghiệp FDI tiếp cận và nhận được nhiều ưu đãi khi xuất khẩu sang các thị trường này. Bên cạnh đó, hậu đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, nhiều tập đoàn đa quốc gia đề cao chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư lý tưởng.
Cùng đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực, xuất khẩu Việt Nam đang trên đà phục hồi, thị trường bán lẻ phát triển ổn định, lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt dần, vị trí địa lý thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, chính sách thuận lợi cho thu hút FDI, và cơ sở hạ tầng được nâng cấp sẽ là những điểm cộng giúp dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới.
Trong 5 tháng đầu năm, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy vốn FDI giải ngân đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% svck và FDI đăng ký đạt 11,07 tỷ USD, tăng 2,0%. Đây cũng là số vốn FDI giải ngân cao nhất của 5 tháng đầu năm kể từ năm 2015.