Trà Vinh bố trí hơn 4.800 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2023

Thanh Hòa/TTXVN 11:55 | 02/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2023, tỉnh Trà Vinh sẽ bố trí trên 4.813 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư công; trong đó, vốn ngân sách địa phương trên 2.505 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, năm 2023, tỉnh bố trí trên 4.813 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư công; trong đó, vốn ngân sách địa phương trên 2.505 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu trên 1.839 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên 468 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Trà Vinh bố trí trên 301 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trên 56 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và trên 110 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, tỉnh thực hiện các dự án liên kết vùng và trọng điểm; trong đó, 1 dự án ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề; 5 dự án ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp diêm nghiệp, thủy lợi và thủy sản; 11 dự án giao thông; 1 dự án ở khu công nghiệp, khu kinh tế; 2 dự án du lịch.

Ngoài ra, từ nguồn ngân sách này, tỉnh đầu tư 366 tỷ đồng thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể là dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa, thích ứng biến đổi hậu, khắc phục hậu quả thiên tai 200 tỷ đồng và 2 dự án khởi công mới 166 tỷ đồng ở lĩnh vực y tế, dân số và gia đình…

Riêng nguồn ngân sách địa phương, tỉnh thực hiện 39 dự án, công trình ở nhiều lĩnh vực như giao thông, quốc phòng- an ninh, an toàn xã hội, văn hóa- thông tin, nông nghiệp, công nghệ thông tin, xây dựng, nâng cấp trụ sở làm việc…; đồng thời, bố trí trên 226 tỷ đồng giao cấp huyện thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh trên 4.262 tỷ đồng. Tính đến ngày 19/12, tỉnh giải ngân đạt gần 67%. Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân; trong đó, có một số nguyên nhân khách quan như bất cập trong cơ chế, chính sách chậm sửa đổi, bổ sung. Giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguồn cát khan hiếm đã tác động trực tiếp đến chi phí, tổng mức đầu tư khiến một số dự án phải điều chỉnh làm ảnh hưởng tiến độ. Một số dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài vừa chịu sự chi phối thủ tục nước ngoài vừa phải bảo đảm quy trình trong nước nên mất nhiều thời gian.

Với nguồn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa ban hành kịp thời dẫn đến địa phương lúng túng, bị động trong triển khai…

Bên cạnh đó là những nguyên nhân chủ quan như việc phối hợp giữa các ngành, địa phương còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ, chưa sâu sát; vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên… Mặt khác, năng lực hạn chế của một số nhà thầu thi công cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh.