Tranh cãi xung quanh đề xuất tước giấy phép phim có sự tham gia của nghệ sĩ vi phạm đạo đức
Cụ thể, theo bà Hà thì thời gian gần đây quan sát thấy nước láng giềng Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch rất mạnh mẽ nhằm loại bỏ những “ngôi sao có lối sống lệch chuẩn” để nghệ sĩ phải trau dồi kỹ năng và Việt Nam cũng có thể tham khảo vấn đề này, bởi người hoạt động nghệ thuật cần phải hết sức giữ gìn hình ảnh của bản thân, cần đức trước khi cần tài.
Quy định được đề xuất trên có thể nói rất "được lòng" nhiều cư dân mạng xã hội. Đặc biệt là trong thời gian gần đây tại một diễn đàn về giới giải trí, khá đông cư dân mạng ủng hộ đề xuất này. Có người còn bình luận nên áp dụng với cả gameshow, chương trình truyền hình. Nhiều người tin rằng biện pháp này sẽ răn đe những nghệ sĩ phát ngôn coi thường khán giả, có bê bối đời tư, hành xử không đẹp... Họ cho rằng Việt Nam nên tham khảo và học tập nhiều hơn các biện pháp răn đe của các nước Trung Quốc hay Hàn Quốc nhằm đem lại một nền nghệ thuật trong sạch hơn cho nước nhà.
Khảo sát bài viết "Dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức: Hình phạt quá nặng và bất công?" của báo Tuổi trẻ cũng ghi nhận 1371 bình chọn nên có quy định dừng chiếu phim có nghệ sỹ vi phạm đạo đức, cao hơn so với 1094 bình chọn không nên.
Giới làm phim đã có nhiều cuộc bàn luận, trong đó nhiều ý kiến đồng tình và cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lại để áp dụng một cách phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, điều kiện sản xuất, hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa ủng hộ những quy định nghiêm khắc để môi trường nghệ thuật tại Việt Nam lành mạnh hơn, không có những sự cố gây dư luận xấu và tất nhiên, khi áp dụng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng: “Nếu chỉ nói diễn viên vi phạm đạo đức, phim bị cấm chiếu thì rất mông lung. Thế nào là vi phạm đạo đức? Cần cụ thể, làm rõ những điều vi phạm đó là gì, nên đưa ra nội dung cụ thể để nhà sản xuất và diễn viên nắm rõ, để nhà làm phim ghi rõ trong hợp đồng ”.
Đồng quan điểm là nhà sản xuất - đạo diễn Nam Cito cũng cho rằng giới làm phim cần chú trọng tới công tác lựa chọn diễn viên. Bên cạnh đó cần kèm theo nhiều điều khoản yêu cầu bắt buộc diễn viên không vi phạm đạo đức, không scandal. Đạo diễn Bảo Nhân nói thêm rằng nghệ sĩ cần nghiêm khắc với bản thân, luôn phải có ý thức học hỏi, rèn luyện để nâng cao nền tảng kiến thức lẫn tài năng của mình, từ cơ bản đến nâng cao.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi về tính khả thi cũng như phản đối đề xuất của vị đại biểu quốc hội.
Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cho rằng biện pháp này là "quá nặng". Anh ước lượng phim điện ảnh Việt Nam thường có kinh phí khoảng 20 tỉ đồng. Nếu dừng chiếu phim, thiệt hại cho bên làm phim còn lớn hơn vì các chi phí quảng bá, phát hành.
"Khi nghệ sĩ tham gia phim, có các điều khoản yêu cầu họ bảo vệ tên tuổi, nếu không sẽ phải bồi thường. Nhưng nghệ sĩ rất khó có khả năng bồi thường con số rất lớn ấy cho nhà đầu tư" - Vũ Ngọc Phượng chia sẻ với báo giới.
Trong khi đó, nhà sản xuất đưa ra Bích Liên quan điểm rằng, chỉ nên can nhắc về mức độ phạt: “Đạo đức là phạm trù rất rộng, khó có thể được định nghĩa một cách rõ ràng và cụ thể như thế nào là vi phạm nặng, nhẹ để mà áp vào từng trường hợp. Còn dính tới pháp luật thì dễ phân xử rồi, có tội thì phạt và ngồi tù, bộ phim có diễn viên chính như thế tất nhiên phải chịu ảnh hưởng. Tùy mức độ mà chúng ta nên có quy định tạm dừng chiếu phim một thời gian, hoặc chỉnh sửa cấu trúc phim, thay đổi diễn viên… để bộ phim vẫn có thể hoàn thành, ra mắt khi nhà sản xuất đã tốn quá nhiều công sức, tiền của".
Một ý kiến khác cũng đáng chú ý là của tác giả Anh Đào của Báo Lao động:
"Scandal, gắn liền với showbiz. Và ở ta, không ít diễn viên, nghệ sĩ bị xử lý, bị 'cấm sóng' khi dính scandal. Nhưng sẽ cực kỳ cưỡng từ đoạt lý nếu chỉ vì vi phạm, chỉ vì cái sai, chỉ vì scandal của một cá nhân mà dừng chiếu, là rút phép, là kết liễu số phận của một tác phẩm với mồ hôi công sức và tiền bạc của rất nhiều người. Không phải cái gì cấm đoán, triệt tiêu cũng là hay. Không phải cứ nước khác cứ cấm đoán, phong sát thì ở ta cũng phải y chang. Bài học của những cái lu đựng nước, “sao chép” máy móc nước ngoài vẫn còn đó".
Tác giả này cũng cho rằng, đây là vấn đề của đạo đức xã hội, sự tẩy chay và áp lực của công chúng, của dư luận mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những hình thức xử phạt hành chính của nhà nước.
Nếu ý kiến trên gật đầu để thành luật, hẳn sẽ chặn đường “về bờ” của những người mắc lỗi có khi chỉ vì tuổi trẻ.
Người này đưa ra ví dụ về diễn viên Hoàng Thùy Linh của Nhật ký Vàng Anh, một scandal "khủng" hồi mới vào nghề. Tuy nhiên, sau đó cô ấy đã đàng hoàng trở lại và có rất nhiều cống hiến xã hội, đồng thời đưa ra nhận định khiến nhiều người phải suy nghĩ: "Không lẽ đã dính scandal, đã trót sai thì không còn đường lùi?".