Trao quyền nhiều hơn cho Chính phủ để ứng phó với Covid-19
Phát triển và chia sẻ công bằng vắc-xin Covid-19
Phát biểu tại phiên toàn thể của Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 42 (AIPA 42), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ nêu rõ, hơn 1 năm qua, thế giới và khu vực ASEAN tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn của đại dịch Covid-19 gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, làm trầm trọng hơn bất bình đẳng xã hội, trong đó có bất bình đẳng về kỹ thuật số và an sinh, phúc lợi xã hội của người dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Covid-19 cũng là chất xúc tác để ASEAN tăng cường số hóa nền kinh tế, thích ứng và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0, thu hẹp khoảng cách về số và đảm bảo bình đẳng số trong khu vực.
Chia sẻ một số ý kiến trong phiên họp toàn thể, Chủ tịch Vương Đình Huệ kêu gọi tinh thần đoàn kết, trách nhiệm chung của AIPA trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là việc ứng dụng khoa học, công nghệ để kiểm soát hiệu quả Covid-19.
Ông Vương Đình Huệ đề nghị tăng cường hợp tác nội khối và với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển và chia sẻ công bằng vắc-xin, thuốc và trang thiết bị phòng, chống Covid-19.
“Tôi cũng đề nghị Nghị viện các nước trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, giảm thiểu các thiệt hại và mau chóng phục hồi kinh tế, xã hội sau Covid-19 (như Quốc hội Việt Nam, khóa XV đã thực hiện trong kỳ họp đầu tiên vào tháng 7 vừa qua) đã trao cho Chính phủ đặc quyền, đặc thù và đặc cách để ứng phó với đại dịch”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Hành động của Quốc hội Việt Nam được Chủ tịch Vương Đình Huệ nhắc tới, đó là tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết trao quyền mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19.
Theo nghị quyết này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam được quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
Chính phủ và Thủ tướng còn được quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống Covid-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
Ngay sau đó, Chính phủ Việt Nam đã có nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 để thực hiện nghị quyết nói trên của Quốc hội.
Chuyển đổi số để tăng cường khả năng chống dịch
Phát biểu trong phiên khai mạc, Chủ tịch AIPA 42, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Vương quốc Brunei, ông Abdul Rahman Taib nêu rõ, trong bối cảnh ASEAN đang cùng nhau ứng phó Covid-19, đã đến lúc các nước thành viên ASEAN bảo đảm chuyển đổi số bao trùm để tăng cường khả năng chống chọi, chuẩn bị tốt hơn cho thế hệ hiện tại và tương lai sau đại dịch.
“Quá trình chuyển đổi số nhanh chóng do tác động của đại dịch Covid-19 cho thấy tầm quan trọng của số hóa trong thời đại công nghệ thông tin”, ông Abdul Rahman Taib nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch AIPA 42, chủ đề của Đại hội đồng AIPA 42 “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025” đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Điều quan trọng là nắm bắt, thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc áp dụng kỹ thuật số bao trùm, coi đây là biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác; nêu cao vai trò của nghị sĩ trong một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế khi hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2025.
Đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh hơn, nhất là phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19 cũng là vấn đề được nhiều vị trưởng đoàn AIPA đề cập trong phát biểu tại AIPA 42.
Theo Trưởng đoàn AIPA Campuchia, ông Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin, công nghệ số sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế hậu Covid-19, thúc đẩy nền kinh tế mới có khả năng chống chịu hơn. Tuy nhiên, ASEAN vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề như khoảng cách phát triển số, sự thiếu hiểu biết về công nghệ số hóa và an ninh mạng là thách thức lớn với các nước đang phát triển có nguồn lực còn hạn chế, nên cần phải phân bổ nhiều nguồn lực hơn để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bao trùm và an toàn.
Thế giới đang đối mặt với sự bất ổn và ngày càng gia tăng chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, hòa bình và phát triển phải là hai yếu tố song hành, vì thế AIPA cần duy trì hòa bình và nỗ lực phát triển bền vững, để người dân có thể tận hưởng hòa bình và tiến bộ, Trưởng đoàn AIPA Campuchia phát biểu.
“Là nghị sĩ, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ và vận động cho các chính sách bao trùm để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với công nghệ, cần nhấn mạnh sự gắn kết của các quốc gia để vượt qua thách thức hiện nay”, Trưởng đoàn AIPA Singapore, ông Tan Chuan-Jin nêu quan điểm.
Nhìn từ chức năng chính của các nghị viện, Trưởng đoàn AIPA Thái Lan Chuan Leekpai nhấn mạnh, hoạt động lập pháp phải tác động đến cả cộng đồng và thúc đẩy đổi mới, nhưng không được ảnh hưởng đến quyền tự do của người dân.
Cho rằng, nếu làm đúng cách, công nghệ số có thể xuyên biên giới, Trưởng đoàn AIPA Thái Lan nhấn mạnh yêu cầu hài hòa hóa các khuôn khổ pháp luật trong khu vực ASEAN, để giải quyết được những nhu cầu ngắn hạn cũng như mục tiêu dài hạn.
“Đẩy mạnh chuyển đổi số để chống Covid-19 là rất cần thiết, nhưng phải cân nhắc trước khi đưa ra quy định làm ảnh hưởng đến các cá nhân, cân nhắc xem các thay đổi về luật pháp có hạn chế hoạt động nào của người dân hay không”, Trưởng đoàn AIPA Thái Lan phát biểu.
AIPA 42 bế mạc vào hôm nay (25/8) sau khi thông qua báo cáo của các Ủy ban Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Tổ chức và ký thông cáo chung.
Gửi thông điệp đến AIPA 42, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống người dân ở các quốc gia, hơn lúc nào hết, cần thể hiện tầm nhìn đúng đắn, bản sắc đoàn kết, gắn bó và năng lực tự cường của một Cộng đồng để vững vàng vượt qua mọi khó khăn, tiến về phía trước.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, thông qua AIPA và các nghị viện thành viên, kênh lập pháp các nước ASEAN như một trụ cột phối hợp nhịp nhàng và bổ trợ hiệu quả cho nỗ lực của các Chính phủ củng cố sức mạnh tổng thể của ASEAN, vượt qua sóng gió, tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng Cộng đồng.