Triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư

Đông Bắc 09:58 | 11/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Tài chính đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Hoàn thiện cơ chế để bắt kịp thị trường

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian vừa qua, TTCK có sự phát triển nhanh về quy mô và tính thanh khoản, huy động được nguồn lực tài chính lớn để phát triển kinh tế. Quy mô TTCK thời điểm hiện nay đạt 92,1% GDP, quy mô thị trường trái phiếu là 38,45%GDP, trong đó quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 14,1% GDP.

Sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh một số vấn đề cần phải giải quyết như hiện tượng làm giá, thao túng giá cổ phiếu, hiện tượng doanh nghiệp cố tình lách các quy định của pháp luật để phát hành và giao dịch chứng khoán.

Để phát triển TTCK ngày càng minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp để quản lý, phát triển thị trường:

Một là, hoàn thiện công tác tổ chức, điều hành thị trường: Đối với thị trường cổ phiếu sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường. Trước mắt tập trung triển khai các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và TTCK vượt qua các khó khăn do dịch bệnh COVID-19 như cắt giảm thủ tục hành chính, điều chỉnh giảm giá dịch vụ, các khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.

Đối với thị trường TPDN sẽ phát triển thị trường theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Trước mắt, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP; kiến nghị Quốc hội rà soát tổng thể các quy định về phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán.

Hai là, tích cực triển khai công tác tái cấu trúc TTCK theo 4 trụ cột là tăng chất lượng của các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, tăng cơ sở nhà đầu tư, tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại tổ chức thị trường. Đối với các tổ chức trung gian thị trường, tập trung vào nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ; khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên TTCK triển khai ứng dụng fintech, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường.

Ba là, phát triển nhà đầu tư thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm... Đồng thời tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường thông qua công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, tiếp tục mở rộng phạm vi và tần suất giám sát, thanh, kiểm tra; nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, cưỡng chế thực thi để kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro tiềm ẩn trên TTCK. Theo đó, trong giai đoạn tới, công tác thanh, kiểm tra hoạt động của công ty đại chúng, công ty không đại chúng khi huy động vốn, tăng cường giám sát, tránh hiện tượng thao túng, làm giá nhằm phát triển TTCK theo hướng an toàn, công khai, minh bạch.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác điều hành và quản lý giám sát TTCK, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng bảo đảm tính công khai, minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: VGP

Phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững

Về ý kiến cho rằng, các biện pháp chấn chỉnh thị trường gần đây là cần thiết, nhưng phần nào khiến cho thị trường đang có dấu hiệu trầm lắng, hoặc thậm chí có tâm lý e ngại về phản ứng dây chuyền, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, thời gian vừa qua, cơ quan có thẩm quyền đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin, sử dụng vốn huy động không đúng mục đích đã công bố.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ: Các biện pháp trên nhằm tăng cường kỷ luật trên TTCK, hướng đến phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững. Song song với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để khắc phục những tồn tại, bất cập của thị trường.

Đại diện Bộ Tài chính tái khẳng định: Quan điểm của Chính phủ là khuyến khích phát triển và duy trì TTCK hoạt động ổn định, minh bạch và bền vững; liên thông với thị trường tín dụng ngân hàng để cung ứng vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia thị trường gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Theo đó, đối với doanh nghiệp phát hành cần có phương án huy động vốn rõ ràng, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Công bố thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch để nhà đầu tư hiểu rõ về mình. Đồng thời tính toán việc huy động vốn đảm bảo khả năng trả nợ, giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Còn đối với các nhà đầu tư, cần phải tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia TTCK; đánh giá đầy đủ các thông tin liên quan đến chứng khoán dự kiến đầu tư, không đầu tư theo tin đồn, sự mời chào của các tổ chức, cá nhân môi giới mà không kiểm chứng thông tin.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ cần nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp dịch vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và chuẩn mực nghề nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, những biện pháp xử phạt thời gian qua sẽ giúp tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển TTCK, thị trường TPDN của cơ quan quản lý.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/5, VN-Index đóng cửa tại 1.293 điểm, tăng 23,9 điểm, tương ứng 1,9% so với phiên giao dịch ngày hôm trước. Thanh khoản của 3 sàn có tín hiệu tích cực hơn nhưng vẫn dưới mức bình quân 20 ngày, cụ thể sàn HOSE 17.789 tỷ đồng, HNX là 1.446 tỷ đồng và UPCoM 733 tỷ đồng. 

Nhiều cổ phiếu đồng loạt bức phá tăng mạnh mẽ, đáng kể nhất với nhóm VN-30 dẫn sóng khi tăng 2,4%, 28/30 mã kết phiên trong sắc xanh như TPB (+5,4%), FPT (+4,7%), VPB (+4,7%), HDB (+4,6%), PDR (+4,4%), VJC (+4,1%)... tạo hiệu ứng lan tỏa toàn thị trường. 

Các chuyên gia nhận định, sau giai đoạn thăng trầm của thị trường, đến hiện tại thanh khoản đã đi xuống. Có thể nói đây chính là giai đoạn thanh lọc nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư ngắn hạn...