Triển vọng thu hút FDI hàng đầu ASEAN, Việt Nam vẫn cần 'dọn sạch nhà' để đón vốn

Nguyễn Thị Thùy Dung 19:30 | 24/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp 2022 sáng ngày 24/5 tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Việt Nam là điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, hiện nay các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam bất chấp tình hình dịch COVID-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, hoạt động luân chuyển hàng hóa trên toàn cầu.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết 4 tháng đầu năm 2022, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 10,8 tỷ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 56,3% nhưng vốn điều chỉnh tăng mạnh 92,5% và góp vốn, mua cổ phần tăng 74,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI thực hiện đạt 5,92 tỷ USD, cũng tăng 7,6%.

Việt Nam cũng đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, nắm bắt cơ hội trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút nhà đầu tư.

Về cơ sở hạ tầng đón vốn FDI, hiện Việt Nam có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000 ha và đang được tiếp tục phát triển mạnh. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp vẫn tăng lên từ 71% lên 75% tính đến cuối năm 2021.

“Điều này cho thấy các dòng vốn đầu tư cũng như các dòng vốn hiện hữu vẫn đang được triển khai rất tích cực để hỗ trợ cho việc phát triển sản xuất cũng như cung ứng hàng hóa cho chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Từ phía doanh nghiệp, ông Lance Li, Tổng Giám đốc Công ty BW Industrial khẳng định đà phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine hàng đầu thế giới.

Cùng với đó, thị trường lao động trên đà phục hồi, chỉ số PMI ngành sản xuất đạt 51,7 điểm vào tháng 4, tháng tăng thứ 7 liên tiếp, số liệu thương mại cũng rất khả quan. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA tiếp tục đóng vai trò là động lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động giao thương của quốc gia với quốc tế nói riêng trong giai đoạn sau dịch. Đây là những lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI.

Vẫn cần “dọn nhà sạch sẽ để đón khách”

Bên cạnh những điểm sáng thì các hiện tượng giá bất động tăng nhanh, chất lượng lao động và cơ sở hạ tầng chưa thực sự đồng đều được nhận định là những lực cản lớn với việc thu hút FDI cũng như triển vọng của thị trường bất động sản công nghiệp.

Theo ông Lance Li, Việt Nam đang đối diện với tình trạng giá đất tăng nhanh cùng với khan hiếm nguồn cung đất ở các vị trí trung tâm. Tương tự, bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Công ty Cushman & Wakefield cũng nhận định giá đất công nghiệp đã đẩy lên cao vượt qua kỳ vọng về chi phí thấp của nhà sản xuất.

Cụ thể, số liệu từ Cushman & Wakefield cho biết tại các tỉnh thủ phủ công nghiệp chủ chốt miền Nam, mức giá thuê đất công nghiệp khoảng 135 USD/m2 một chu kỳ thuê. 

Tại các tỉnh thủ phủ công nghiệp phía Bắc lân cận Hà Nội, giá thuê trung bình toàn khu vực đạt 109 USD/m2 một chu kỳ thuê với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%.

Tại khu vực miền Trung, giá thuê đất công nghiệp bình quân chỉ khoảng 34 USD/m2 cho một chu kỳ thuê, tức tương đương 30% so với giá thuê ở khu vực miền Bắc và 25% so với giá thuê ở khu vực miền Nam. Tuy nhiên tỷ lệ lấp đầy không cao, chỉ đạt trung bình 67% tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. 

Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh là 3 khu vực có giá thuê đất công nghiệp cao bậc nhất tại 3 miền Bắc – Trung – Nam với mức giá thuê tính đến tháng 5 lần lượt là 140 USD/m2, 80 USD/m2 và gần 200 USD/m2 mỗi chu kỳ thuê.

Bà Trang Bùi nhận định để tháo gỡ “điểm nghẽn” về giá đất công nghiệp tăng vọt, thị trường cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ cho những tỉnh thành, địa phương còn nhiều dư địa phát triển nhưng có vị trí xa các khu kinh tế trọng điểm.

Bên cạnh vấn đề giá thuê đất tăng vọt ở nhiều địa phương, cơ sở hạ tầng công nghiệp và logistics chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài cũng được xem là thách thức. Bà Trang Bùi cho rằng để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển công nghiệp, logistics và trở nên thu hút, cạnh tranh; Việt Nam cũng cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng bao gồm hệ thống đường cao tốc, cảng biển nước sâu, nâng cao hệ thống điện nước, gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng…

Còn bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Amata Việt Nam thì khẳng định rằng triển vọng vốn FDI vào Việt Nam là “không nghi ngờ”, nhưng điều quan trọng là “phải dọn nhà sạch sẽ để đón khách”. Bà tin tưởng việc thiết lập một hành lang pháp lý rõ ràng, nhất quán từ trên xuống dưới có thể giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan hay bất kỳ quốc gia nào trong khu vực ASEAN về thu hút FDI.

“Nhìn xa đến 2030 thì Việt Nam vẫn sẽ là đất nước đi đầu trong khu vực ASEAN về triển vọng thu hút dòng vốn”, bà Somhatai Panichewa nhấn mạnh.

Tiếp nhận các ý kiến đóng góp, ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ sửa đổi một số luật hiện hành theo hướng giảm tối đa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đặc biệt là thủ tục quy hoạch các khu công nghiệp.

"Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với khó khăn của các nhà đầu tư trong các vấn đề về đất đai, về điện, về nguồn nhân lực, đặc biệt là việc giữ chân công nhân lao động ở lại làm việc lâu dài cho các doanh nghiệp. Chính vì thế chúng tôi đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế,  hy vọng trong quý II/2022, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét ban hành Nghị định này. Trong phần sửa đổi, có nhiều nội dung quý vị nêu sẽ được giải quyết như quy hoạch, thủ tục hành chính…”, ông Trung cho hay.