Loạt doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp đang kinh doanh ra sao?

Đông Bắc 17:44 | 17/02/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh trái chiều trong năm 2024. Theo đó, nhiều "ông lớn" hụt hơi về lợi nhuận, nhưng có doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

  

Tổng Công ty IDICO – CTCP (mã: IDC): Doanh thu quý IV/2024 của doanh nghiệp này đạt 1.955 tỷ đồng, giảm 12,68% so với quý IV/2023, lợi nhuận gộp từ đó giảm 22,6% về còn 636 tỷ đồng. Cùng với việc doanh thu tài chính giảm 40,45% về còn 53 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 29,8% về còn 438 tỷ đồng.

Mặc dù “hụt hơi” trong quý IV nhưng lũy kế cả năm 2024, doanh thu của IDICO vẫn tăng 22% so với năm 2023 lên 8.846,4 tỷ đồng. Riêng doanh thu của mảng khu công nghiệp trong năm tăng 21% so với cùng kỳ, đạt gần 4.000 tỷ đồng, tương đương 45% tổng doanh thu. Doanh thu kinh doanh điện cũng tăng 15% lên 3.373 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng mạnh 45% so với cùng kỳ, đạt 2.393 tỷ đồng và là mức lợi nhuận năm cao kỷ lục của doanh nghiệp. Lợi nhuận trước thuế của IDICO tăng 45,5% lên 2.993 tỷ đồng, vượt 19,6% kế hoạch đề ra cho năm 2024.

Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản IDICO ở mức gần 18.800 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, với lượng tiền mặt dồi dào gần 2.190 tỷ đồng, tăng 64%. Nợ phải trả còn hơn 11.591 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%; trong đó, khoản người mua trả tiền trước và doanh thu chưa thực hiện hơn 6.050 tỷ đồng, tăng 7% và chiếm 52% tổng nợ. Nợ vay tài chính 3.136 tỷ đồng, giảm 11% và chiếm 27% tổng nợ.

 Nhiều nhà đầu tư khu công nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024. Ảnh KBC.

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã: BCM) ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2024 đạt 2.000 tỷ đồng, giảm 60,5% so với quý IV/2023; lợi nhuận sau thuế từ đó giảm 25% về còn 1.540 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do nguồn thu từ mảng kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư giảm mạnh 71% về còn hơn 1.334 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần của Becamex IDC đạt 5.195 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2023. Dù vậy, với khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng 145% lên 1.955 tỷ đồng, lãi sau thuế của doanh nghiệp này vẫn tăng 1% so với năm 2023 lên 2.310 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản Becamex IDC hơn 58.777 tỷ đồng, tăng 10% so đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản là hàng tồn kho hơn 21.206 tỷ đồng, chiếm 36%, tăng 7%. Doanh nghiệp cũng đang gửi ngân hàng 2.500 tỷ đồng, tăng 78% so với đầu năm.

Nợ phải trả còn gần 38.298 tỷ đồng, tăng 13%. Trong đó, tổng nợ vay ngắn và dài hạn hơn 23.600 tỷ đồng, tăng 20% và chiếm 62% tổng nợ. Phần lớn là nợ trái phiếu hơn 12.700 tỷ đồng, với gần 800 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trả.

Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi - mã: SNZ) báo lợi nhuận quý IV/2024 đạt gần 423 tỷ đồng, hầu như không đổi so với quý IV/2023. Lũy kế năm 2024, doanh thu và lãi sau thuế của doanh nghiệp này lần lượt đạt 5.889 tỷ và 1.621 tỷ đồng, tăng 8% và 16% so với năm 2023, tương ứng hoàn thành 92,5% kế hoạch doanh thu và vượt 18% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Tổng tài sản Sonadezi tại cuối năm 2024 gần 8.226 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm; trong đó, lượng tiền và tương đương tiền gấp hơn 3 lần đầu năm lên hơn 705 tỷ đồng. Hàng tồn kho gần 1.743 tỷ đồng, tăng gần 8%, với phần lớn nằm tại dự án khu đô thị Châu Đức gần 1.513 tỷ đồng.

Nợ phải trả còn hơn 5.120 tỷ đồng, giảm 2% so đầu năm, nợ vay tài chính hơn 2.300 tỷ đồng, giảm 13% và chiếm 46% tổng nợ của Doanh nghiệp.

CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã: SIP): Trong quý IV/2024, SIP đạt gần 2.064 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 376 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 10% so với quý 4/2023. Công ty cho biết lợi nhuận tăng do nhận cổ tức được chia và lãi bán các khoản đầu tư.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của SIP đạt 7.804 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.278 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 27% so với kết quả năm 2023, tương ứng vượt 44,8% kế hoạch doanh thu và 61,16% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2024. Trong đó, nguồn thu chính vẫn đến từ mảng cung cấp dịch vụ tiện ích điện, nước khu công nghiệp với hơn 6.547 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản SIP gần 25.026 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Đáng chú ý, Doanh nghiệp đang gửi ngân hàng gần 5.300 tỷ đồng, tăng 65%, chiếm 21% tổng tài sản và khoảng 430 tỷ đồng tiền mặt.

Hàng tồn kho hơn 380 tỷ đồng, giảm 19%. Nợ phải trả còn hơn 20.151 tỷ đồng, tăng 18%. Trong đó, vay nợ tài chính gần 3,600 tỷ đồng, hơn gấp đôi đầu năm, chiếm 18% tổng nợ. Đáng chú ý, “của để dành” là khoản người mua trả trước và doanh thu chưa thực hiện (nhận trước tiền thuê đất, nhà xưởng) của SIP hơn 12.100 tỷ đồng, tăng 7% và chiếm tới 60% tổng nợ.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã: VGC) ghi nhận doanh thu bán hàng quý IV/2023 đạt 3.728 tỷ đồng, tăng 23,4% so với kết quả quý IV/2023. Doanh thu tăng mạnh, tuy nhiên giá vốn hàng bán được giữ nguyên dưới ngưỡng 2.500 tỷ đồng, giúp lợi nhuận gộp trong quý cuối năm của VGC tăng hơn 121% lên 1.249,5 tỷ đồng. Trừ đi thuế phí, Viglacera báo lãi trước thuế đạt 726 tỷ đồng, cao gấp 55 lần so với quý IV/2023.

Kết quả tích cực của quý IV đóng góp lớn vào tình hình kinh doanh cả năm. Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần của Viglacera đạt 11.913 tỷ đồng, giảm gần 10% so với kết quả cả năm 2023. Tuy nhiên với giá vốn giảm gần 13,2%, lợi nhuận gộp của công ty chỉ gảm xấp xỉ 5 tỷ đồng về còn 3.514 tỷ đồng.

Kết quả, Viglacera báo lãi trước thuế đạt 1.602,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,5 tỷ đồng so với năm 2023, bỏ xa kế hoạch lãi trước thuế 1.110 tỷ đồng đề ra cho năm 2024 (vượt kế hoạch 44,4%). Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 2,4% lên 1.190 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Viglacera đạt 24.842 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,1% so với thời điểm đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền tăng hơn 1.000 tỷ đồng lên 2.861 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.092 tỷ đồng, hàng tồn kho đạt 4.372 tỷ đồng…

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả tại cuối năm 2024 đạt 14.887 tỷ đồng, tăng 2,1% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính đạt 4.812 tỷ đồng, bao gồm 2.572 tỷ đồng vay ngắn hạn và 2.240 tỷ đồng vay dài hạn.

Tổng Công ty Phát triên Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC): Trong năm 2024, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.776 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 459,9 tỷ đồng, lần lượt giảm 50,6% và 79,5% so với năm 2023, đạt tương ứng 31% kế hoạch doanh thu và 11,5 kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo tờ trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2025, dự kiến tổ chức ngày 6/3, lãnh đạo Kinh Bắc cho biết nguyên nhân kết quả kinh doanh năm 2024 suy giảm, phần lớn tới từ việc hầu hết các dự án được kỳ vọng đưa vào kinh doanh và ghi nhận doanh thu như KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tràng Duệ 3, KĐT Tràng Cát, KĐT Phúc Ninh,… đều chưa được tháo gỡ các thủ tục pháp lý kịp thời.

Tại đại hội bất thường tới đây, HĐQT Kinh Bắc trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu hợp nhất dự kiến ở mức 10.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 3.200 tỷ đồng, lần lượt cao gấp 3,6 lần và 6,96 lần so với kết quả năm 2024.

Đến cuối năm 2024, tổng tài sản Kinh Bắc tăng 34% so với đầu năm lên hơn 44.765 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền tăng vọt lên hơn 6.566 tỷ đồng, gấp 7,8 lần đầu năm, chiếm 15% nguồn vốn. Hàng tồn kho gần 13.867 tỷ đồng, tăng 14%, chiếm 31% tổng tài sản.

Nợ phải trả cũng tăng cao 83% lên gần 24.084 tỷ đồng, chủ yếu do nợ vay tài chính cao gấp 2,8 lần đầu năm lên hơn 10.100 tỷ đồng, chiếm 42% tổng nợ, trong đó có hơn 967 tỷ đồng là trái phiếu. Ngoài ra, Kinh Bắc có khoản phải trả dài hạn khác là khoản nhận cọc của khách hàng lên tới 5.761 tỷ đồng, gấp 210 lần đầu năm và chiếm 24% tổng nợ.

CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã: NTC): Quý cuối năm 2024, Nam Tân Uyên có kết quả kinh doanh ấn tượng khi doanh thu thuần đạt 193 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước; lãi ròng gần 122 tỷ đồng, tăng 80%.

Cả năm 2024, Nam Tân Uyên mang về doanh thu thuần gần 368 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước. Lãi ròng gần 317 tỷ đồng, tăng 6%. So với kế hoạch, Doanh nghiệp thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và vượt 14% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tổng tài sản Nam Tân Uyên tại cuối năm 2024 hơn 7.353 tỷ đồng, tăng 61% so với đầu năm; trong đó, Công ty có gần 1.800 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng, tăng 17%.

Nợ phải trả của doanh nghiệp này hơn 6.218 tỷ đồng, tăng 73% so đầu năm, chủ yếu do Nam Tân Uyên vay nợ tài chính từ 276 tỷ đồng đầu năm lên gần 2.700 tỷ đồng, chiếm 43% tổng nợ. Khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn hơn 3.177 tỷ đồng, tăng 9% và chiếm 51% tổng nợ.

CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (mã: TIP): Trong quý IV/2024, doanh thu doanh nghiệp này tăng trưởng 1,53% so với cùng kỳ, giá vốn giảm 6,18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 68,59 tỷ đồng, giảm 15,27% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2024, doanh thu đạt 167,86 tỷ đồng, tăng 6,41% so với cùng kỳ, lợi nhuận lũy kế đạt 182,54 tỷ đồng, tăng 4,95% so với cùng kỳ.

CTCP Long Hậu (mã: LHG): Trong quý cuối năm 2024, Long Hậu ghi nhận doanh thu thuần gần 95 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ, do doanh nghiệp trắng doanh thu từ cho thuê đất đã phát triển hạ tầng và xưởng xây sẵn theo yêu cầu (cùng kỳ mảng này là nguồn thu chính khi mang về gần 77 tỷ đồng).

Lũy kế cả năm 2024, Long Hậu mang về doanh thu thuần hơn 423 tỷ đồng và lãi ròng gần 184 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 11% so với năm trước. Kết quả này giúp Công ty vượt 40% kế hoạch lợi nhuận, trong khi mới thực hiện được 71% mục tiêu doanh thu.

Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản Long Hậu đạt gần 3.066 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm; lượng tiền và tương đương tiền gần 116 tỷ đồng, tăng 66%. Hàng tồn kho gần 828 tỷ đồng, tăng 4%, phần lớn là chi phí đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN) Long Hậu hơn 685 tỷ đồng và chi phí đầu tư xây dựng các khu dân cư hơn 142 tỷ đồng.

Nợ phải trả còn hơn 1.406 tỷ đồng, tăng 1% so đầu năm, với tổng nợ vay tài chính hơn 180 tỷ đồng, giảm 7% và chiếm 13% tổng nợ của doanh nghiệp.

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã: ITA): Doanh thu thuần và lãi ròng năm 2024 của Tân Tạo đều lần lượt giảm 34% và 44% so với năm trước, về mức gần 376 tỷ đồng và gần 114 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ cho thuê hoạt động nhà xưởng, kho bãi và đất gấp hơn 2,3 lần năm trước, nhưng doanh thu từ các hoạt động còn lại đều giảm mạnh, kể cả mảng cho thuê đất đã phát triển hạ tầng.

Điểm đáng chú ý khác trong kết quả kinh doanh 2024 của Tân Tạo là chi phí tài chính được hoàn nhập hơn 15 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền vay được hoàn nhập hơn 14,5 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Tân Tạo tại thời điểm 31/12/2024 ghi nhận hơn 12.600 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ phải thu ngắn hạn (chủ yếu là phải thu khách hàng) và hàng tồn kho lần lượt tăng 61% và 3%, lên hơn 2.000 tỷ đồng và gần 3.700 tỷ đồng.