Vai trò của doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài

11:09 | 14/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại đưa ra một số đề nghị tới cộng đồng doanh nhân kiều bào ở nước ngoài như hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường, chính sách mới của thị trường nhập khẩu tại nước sở tại và những nhận định, phân tích xu hướng thị trường nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước tham mưu tốt hơn cho Chính phủ Việt Nam về chiến lược trong xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng như kinh doanh quốc tế, thương mại quốc tế…

Ngày 13/10, tại Văn phòng Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã diễn ra buổi toạ đàm “Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài” và lễ ký kết MOU giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao với Hiệp hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA).

Sự kiện được sự quan tâm chỉ đạo và tham dự của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương; ông Phùng Công Dũng – Chủ nhiệm UBVNVNONN TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch Hội VPBA cùng các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào, đại diện lãnh đạo các Hội đoàn doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào trong và ngoài nước như: Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV); Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam ở châu Âu; Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam toàn Thái Lan; Hiệp hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam - VPBA; Các Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, Pháp, Thụy Sỹ, Mỹ, Ý, Rumani, Ba Lan, Đài Loan, Mông Cổ, Hungary, Hàn Quốc…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch Hội VPBA.

Phát biểu tại toà đàm, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương cho biết, thực hiện Nghị quyết 36, Nghị quyết 27 TW ban hành chương trình hành động của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016 – 2021, Bộ Công thương được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan đẩy mạnh, thực hiện chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam hướng tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Tăng sự kết nối giữa doanh nhân trong nước và doanh nhân ở ngoài nước, kịp thời thông tin về sự phát triển kinh tế, cơ hội kinh doanh ở trong nước để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam .

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương.

Theo ông Vũ Bá Phú, trong những năm qua Bộ công thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao mạng lưới liên kết nhóm doanh nhân kiều bào tại nhiều quốc gia khác nhau, đồng thời tạo định hướng mang tính chất gợi mở, dẫn dắt cho các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài nhằm đem lại tri thức, công nghệ, kinh nghiệm và vốn về đầu tư về Việt Nam. Tất cả đạt được qua những kết quả:

Thứ nhất, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, không ngừng đóng góp kinh nghiệm, tri thức, kinh nghiệm, công sức, nguồn vốn phát triển kinh tế xã hội Việt Nam đặc biệt trong số này có không ít các doanh nhân trẻ thuộc thế hệ Việt Kiều thứ 2, thứ 3 hoặc du học sinh đã lập nghiệp và đóng góp tích cực trong việc kinh doanh và phát triển thuộc ngành công nghệ cao, công nghệ mới tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi toạ đàm trực tuyến cùng cùng các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào, đại diện lãnh đạo các Hội đoàn doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào trong và ngoài nước...

Thứ hai, thành lập mới nhiều hội doanh nhân kiều bào ở nước ngoài, củng cố tình đoàn kết và mối liên hệ giữa các hiệp hội. Đến nay hầu hết các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống đều đã thành lập được Hội doanh nhân người Việt và góp phần quan trọng đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam xâm nhập thị trường sở tại. Thông qua mạng lưới phân phối của doanh nghiệp đưa vào, vụ nông sản vừa qua như vải, nhãn, xoài… được phân phối ở các nước Châu Âu thì hầu hết được các doanh nhân Việt Kiều là đầu mối và mở rộng mạng lưới phân phối nông sản Việt Nam của vụ vừa qua rất hiệu quả.

Thứ 3, mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nhân kiều bào được củng cố chặt chẽ cả trong hợp tác thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài cũng như là thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Theo ông Vũ Bá Phú, 2 năm vừa qua dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh trên toàn thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, dán đoạn hoạt động thương mại quốc tế. Chính vì vậy phần lớn các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống trong nước và quốc tế đều phải hủy hoặc hoãn. Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và đầu mối là Cục Xúc tiến Thương mại đã linh hoạt và chủ động đổi mới mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến xuất khẩu chuyển sang hình thức xúc tiến thương mại mới kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Nhờ vậy, đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận từ xa các đối tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch nhưng vẫn đạt hiệu quả, góp một phần vào thành tích xuất khẩu cả nước trong thời gian qua.

Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong nhiều năm qua đã đóng góp rất lớn trong kết quả xuất khẩu của Việt Nam. Một số hoạt động trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại đã được cải tiến, thích nghi với bối cảnh trong đại dịch 2 năm qua như: Công tác kết nối thông tin cung cấp dữ liệu thị trường thông suốt hiệu quả, nhanh chóng bằng các ứng dụng công nghệ thông tin như các nền tảng mạng xã hội internet, các nền tảng thương mại trực tuyến, thương mại điện tử….Qua đó những tổ chức, ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể kết nối được các hệ thống thương vụ Việt Nam, hệ thống cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và hệ thống doanh nghiệp kiều bào của Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao thương trực tuyến, kịp thời hỗ trợ các  địa phương có nông sản rau quả chịu sự phụ thuộc lớn mang tính mùa vụ trong thời gian vừa qua: Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ, Sơn La… thông qua hình thức giao thương trực tuyến. Không chỉ riêng nông sản, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài như dệt may, thực phẩm, chế biến, sản phẩm đồ gốm đồ mỹ nghệ … cũng duy trì xúc tiến xuất khẩu thông qua hình thức thương mại giao thương trực tuyến này.

Cũng theo ông Vũ Bá Phú, do không thể mời khách mời quốc tế tham dự triển lãm nên trong 2 năm qua Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức Hội chợ, triển lãm trực tuyến, triển lãm ảo. Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức cho nhiều doanh nghiệp tham gia hội trợ quốc tế dưới hình thức triển lãm từ xa. Thông qua những hình thức mới này một phần giúp cho doanh nghiệp Việt Nam duy trì kết quả xuất khẩu khả quan, trong 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có những hoạt động hợp tác với sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như Amazoon, Alibaba…

“Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến Thương mại hy vọng được phồi hợp cùng các doanh nghiệp, doanh nhân, kiều bào Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cùng nhau khai thác sàn thương mại điện tử của người Việt phát triển trong nước, ngoài nước để kết nối hiệu quả hơn việc xuất khẩu, đưa sản phẩm Việt Nam đi ra nước ngoài.

Bằng những hiệu quả như trên, đã góp phần đưa sản phẩm hàng hoá của người Việt với sự hỗ trợ tích cực của doanh nhân kiều bào Việt Nam ở nước ngoài được tiến sâu, vươn xa, khẳng định vị trí vững trắc tại nhiều thị trường trên thế giới. Từ đó đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người nông dân trong nước, đảm bảo vượt qua những khó khăn tiêu cực mà đại dịch COVID-19 đem lại. Hy vọng trong thời gian tới, Cục Xúc tiến Thương  mại có cơ hội hợp tác với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sâu sắc hơn nữa cũng như các doanh nhân, kiều vào Việt Nam ở nước ngoài”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Kết thúc bài phát biểu của mình, ông Vũ Bá Phú cũng đưa ra một số đề nghị tới cộng đồng doanh  nhân kiều bào ở nước ngoài như: Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các nhà nhập khẩu sở tại để đưa sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài ổn định, bền vững hơn nữa; Cùng chung tay với Chương trình Thương hiệu quốc gia triển khai, quảng bá các thương hiệu quốc gia thông qua các sản phẩm tốt, uy tín với phương châm mỗi Việt kiều là một đại sứ thương hiệu của Việt Nam ở địa bàn sở tại; Hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường, chính sách mới của thị trường nhập khẩu tại nước sở tại và những nhận định, phân tích xu hướng thị trường nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước tham mưu tốt hơn cho Chính phủ Việt Nam về chiến lược trong xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng như kinh doanh quốc tế, thương mại quốc tế.