TP.HCM làm cách nào để giải bài toán thiếu lao động sau đại dịch?

18:00 | 02/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang dần dần từng bước được khống chế. Tuy nhiên, bài toán hiện tại đặt ra là số lượng lớn người lao động rất lớn di chuyển về quê sau nhiều tháng TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đang dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch.

Thiếu hụt lao động những tháng cuối năm

Ngày 1/10, tại buổi toạ đàm trực tuyến "Nguồn nhân lực lao động cho TP.HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch", ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho hay, về thị trường lao động của TP.HCM, hiện có trên 470.000 doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp FDI với trên 3,2 triệu công nhân.

Nhưng do tác động của dịch COVID-19, trong 5 tháng qua chỉ còn 700 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến” với 600.000 lao động.

Số doanh nghiệp còn lại cùng với hơn 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương và hơn 660.000 lao động tự do cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch.

TP.HCM đang rơi vào tình cảnh thiếu hụt lao động sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội

Ông Tấn cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP.HCM chiếm 98%, nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông…. trong đó, nhiều doanh đang chật vật để trụ lại nhưng nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận phá sản, rút tên khỏi thị trường.

"Về cung ứng lao động, 5 tháng qua, tỷ lệ lao động nghỉ làm hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng trên 100.000 người và 500.000 lao động nghỉ làm. Để đáp ứng nhu cầu lao động, ngành lao động, thương binh và xã hội, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực, Trung tâm Dịch vụ việc làm đang triển khai các giải pháp kết nối cung cầu lao động để đảm bảo việc làm cho người lao động," ông Tấn nhấn mạnh.

Còn theo ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho hay, 31.000 lao động làm việc tại các khu chế xuất - khu công nghiệp ở TP.HCM đã về quê. Trong đó, người lao động chủ yếu về những địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... Với khoảng cách địa lý không quá xa, số lao động này có khả năng quay lại làm việc. Dù vậy, TP.HCM cần nhiều giải pháp để giải bài toán nhân lực lao động trong thời gian tới.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với số lao động về quê ồ ạt trước thời điểm địa phương có hoạt động kiểm soát di chuyển, đặt ra việc sắp xếp lại nhân sự, lao động tại doanh nghiệp là một vấn đề trọng yếu.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng để duy trì hoạt động, doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, với việc tăng cường tiêm vaccine COVID-19 và chuẩn bị phương án đón người lao động ở các tỉnh, thành thuận tiện, an toàn quay trở lại làm việc, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm 2021 sẽ khả quan hơn.

 Đặc biệt, cuối năm là khoảng thời gian quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng nâng cao hiệu quả năng suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng theo mùa (trước, trong dịp Tết Nguyên đán), hoặc sau giãn cách cũng góp phần kích cầu hoạt động tiêu dùng trong thời gian tới.

Theo đó, nhu cầu nhân lực quý IV tại TP.HCM dự báo cần khoảng hơn 43.600-56.800 chỗ làm việc. Nhu cầu này có xu hướng tăng ở các nhóm nghề: kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí - tự động hóa; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch - nhà hàng - khách sạn…

Doanh nghiệp đưa ra nhiêu giải pháp tích cực

Đánh giá về vấn đề thiếu hụt lao động sau đại dịch, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, việc phục hồi sản xuất và tiêm vaccine, cần xác định địa bàn trọng tâm trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nền kinh tế, đến thị trường lao động thì cần ưu tiên tiêm trước.

Theo Cục trưởng Cục Việc làm, việc tiêm vaccine phải gắn liền với việc cấp chứng nhận thẻ xanh để mỗi người lao động đã được tiêm phải được cấp mã di chuyển an toàn. Có như vậy thị trường lao động mới được lưu thông trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Doanh nghiệp cần chủ động tuyển dụng lao động và động viên người lao động quay trở lại làm việc.

Ông Bình cho biết, doanh nghiệp và người lao động đều khó khăn. Tuy nhiên, khi người lao động quay trở lại, doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ trong bối cảnh họ đã cạn kiệt sau nhiều tháng nghỉ làm. Đó là điều doanh nghiệp nên làm.

Chuẩn bị cho phục hồi sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp cùng nhiều doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ bước đầu và lâu dài cho người lao động và cả doanh nghiệp, trong đó tập trung đào tạo, tái đào tạo lại lực lượng lao động, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động đang ở thành phố và người lao động đang sinh sống ở các địa bàn giáp ranh thành phố như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh...

Từ kinh nghiệm thực tiễn khi thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ," ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM bày tỏ lo lắng về nguồn lao động có thể thiếu hụt do rất nhiều lao động đã về quê.

Tuy nhiên, qua khảo sát của Hội, phần lớn người lao động làm việc trong ngành dệt may, thêu đan có sự gắn bó lâu năm, người lao động có sự chia sẻ với doanh nghiệp rất cao nên việc họ có về quê cũng có thể sớm quay trở lại ở đạt ở mức 70-80%.

“Đại dịch đã khiến cho lãnh đạo nhiều doanh nghiệp dệt may có cái nhìn sâu hơn về việc chăm sóc sức khoẻ cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã lập Quỹ chăm lo cho người lao động trong suốt thời gian đại dịch diễn ra bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước," ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Để giữ chân người lao động trong đại dịch, ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn cho rằng nếu làm không tốt, chăm lo không tốt cho người lao động, sau đại dịch, nguy cơ thiếu lao động sẽ rất cao. Vì thế, khi thực hiện "3 tại chỗ," lãnh đạo công ty đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người lao động; chủ động chăm lo suất ăn tốt hơn để tăng cường sức khoẻ cho người lao động.

Còn theo, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, TP.HCM cùng các tỉnh, thành phố phía nam phải tiếp tục tiêm vaccine để sản xuất an toàn, thu hút lao động và cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng, bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân.

"Doanh nghiệp cần thêm giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác. Việc tăng cường đào tạo lại lao động cũng rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch", ông Hồi nói.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, cho biết tín hiệu đáng mừng là 242.000 người lao động trong các khu chế xuất - khu công nghiệp tại TP.HCM đã được tiêm vaccine mũi 1 và hơn 24.000 người lao động đã được tiêm mũi 2.

Hiện, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM ưu tiên phối hợp với chính quyền thành phố và các địa phương khác để đón người lao động quay lại làm việc. Cách thức đưa đón đảm bảo thuận lợi nhất cho người lao động. Khi đón về, thành phố sẽ tổ chức tiêm vaccine mũi 2 cho số lao động này.

Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Sở lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM để khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, sử dụng người lao động.

“Ban Quản lý cũng đề xuất với thành phố về việc xây dựng nhà ở lưu trú cho người lao động theo hình thức nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Đây là cơ sở để có thể xác định sống chung với dịch bệnh, ổn định sản xuất dài lâu cho doanh nghiệp”, ông Trực thông tin.

Cùng quan điểm về việc xây dựng nhà ở cho công nhân, ông Trần Việt Anh, Giám đốc dự án Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tân Tạo, cho biết lực lượng lao động tập trung sống ở các xóm trọ. Thời điểm giãn cách, hầu hết lao động ở tại nơi trọ toàn thời gian khiến không gian sống chật hẹp, tạm bợ, không thể đảm bảo 5K nên đã phát sinh nhiều F0, F1.

Ông Việt Anh lý giải việc sống trong môi trường như vậy khiến nhiều người lao động muốn về quê, nhất là nhóm lao động tự do. Nhóm này có đến 70%-80% là ở các tỉnh, thành phố khác. Họ không được mua bảo hiểm, tiếp cận công nghệ chậm, việc tiêm vaccine cũng đi sau các nhóm lao động khác.

Từ thực trạng các nơi ở không bảo đảm của người lao động hiện nay, ông cho rằng để bảo đảm nguồn lực lao động trong tương lai, thành phố cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do.