Trình thủ tướng chiến lược tái cơ cấu Vietnam Airlines, ACV
Cụ thể, với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước định hướng phát triển mạng đường bay và hạ tầng cơ sở tại các sân bay Nội Bài và Long Thành, đưa những sân bay này trở thành cửa ngõ chính tại Đông Nam Á bằng các đường bay dài, đường bay liên lục địa.
Cùng với đó, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đầu tư và tái cơ cấu đội bay theo hướng sử dụng công nghệ mới, đơn giản về chủng loại và đủ lớn cho mục tiêu phát triển.
Xác định mục tiêu đầu tiên trong việc tái cơ cấu đội bay, Vietnam Airlines sẽ thực hiện dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp và hoàn thành công tác tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp của cả công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên.
Đảm bảo cân đối tài chính, khôi phục tình hình tài chính lành mạnh, cơ cấu tài chính an toàn hợp lý, đảm bảo khả năng thanh khoản để tạo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thu xếp, đảm bảo bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động đầu tư phát triển.
Tập trung, ưu tiên các dự án chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả điều hành, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, trở thành Digital Airlines trước 2025.
Hiện nay, do khó khăn từ dịch COVID-19, Vietnam Airlines đã phải tự tái cơ cấu toàn diện để cắt giảm chi phí. Hàng loạt kế hoạch được đưa ra như: Tái cơ cấu tài chính, giãn hoãn các khoản vay; tái cơ cấu Paciffic Airlines; triển khai huy động vốn từ các đối tác, chở khách hồi hương...
Đồng thời, điều chỉnh công tác lao động, tiền lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, dừng thuê phi công nước ngoài (từ tháng 3-7/2020)... Việc nhanh chóng đưa ra các giải pháp đó đã giúp mức lỗ của Vietnam Airlines giảm khoảng 5.000 tỷ đồng so với dự kiến.
Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), ngoài mục tiêu hoàn hoàn thành giai đoạn 1 Dự án Cảng Hàng không Long Thành cũng như chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2, ACV cũng được định hướng tiếp tục thực hiện đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng 22 cảng hàng không hiện hữu theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
Mục tiêu cụ thể được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đặt ra với ACV là phấn đấu đạt tổng công suất thiết kế hành khách thông qua các cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác đến năm 2025 là 168 triệu hành khách/năm; 2,5 triệu tấn hàng hóa/năm, đến năm 2030 là 296 triệu hành khách/năm; 3,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Vietnam Airlines xin gia hạn công bố BCTC nhưng bức tranh tài chính không khả quan
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN), mặc dù chưa có báo cáo tài chính quý 2/2021, tuy nhiên tình hình kinh doanh thua lỗ là bức tranh hiện hữu của doanh nghiệp này.
Vietnam Airlines cho biết tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với dự báo đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của hãng. Trong 6 tháng đầu năm, lỗ công ty mẹ dự kiến khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất khoảng 10.788 tỷ, chỉ số tài chính thay đổi theo hướng tiêu cực và rủi ro.
Trong quý I, Vietnam Airlines đã ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất 4.975 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 1.030 tỷ.
Ngoài ra, theo bản cáo bạch được công bố ngày 20/7 vừa qua, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đạt 14.075 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ 2020.
Mảng vận tải hàng không mang về 9.360 tỷ đồng. Phần doanh thu còn lại đến từ hoạt động phụ trợ vận tải, doanh thu bán hàng và các doanh thu khác.
Ngoài ra, tổng công ty cũng ghi nhận 247 tỷ đồng doanh thu tài chính và gần 58 tỷ đồng thu nhập khác.
Bản cáo bạch không tiết lộ thông tin về lãi/lỗ, tuy nhiên tài liệu đại hội cổ đông thường niên ngày 14/7 ước tính số lỗ hợp nhất trong nửa đầu năm nay là 10.788 tỷ đồng, riêng quý II lỗ khoảng 5.900 tỷ.
Hoa Trần (t/h)
Xem thêm: Hàng không gồng mình vượt cơn cuồng phong