Trong 8 tháng, Việt Nam đã chi bao nhiêu tiền để chống Covid-19?

16:59 | 02/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8/2021, ngân sách Nhà nước đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 8/2021 ước đạt 115,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 8 tháng ước đạt 918,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 187,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39,2% dự toán Quốc hội quyết định.

Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8/2021, ngân sách Nhà nước đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, chi phòng chống dịch (17,2 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn (1,6 nghìn tỷ đồng).

Cụ thể, Trung ương đã chi 10,7 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng chống dịch Covid-19; chi 5,1 nghìn tỷ đồng mua vaccine phòng Covid-19 từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2020 chuyển sang.

Trong 8 tháng, Việt Nam đã chi bao nhiêu tiền để chống Covid-19? - ảnh 1

Tính đến hết tháng 8/2021, ngân sách Nhà nước đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đồng thời, các địa phương đã chi 3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 là 2,55 nghìn tỷ đồng để mua vaccine.

Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch, xuất cấp 74,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ cho Nhân dân trong dịp Tết, giáp hạt đầu năm và một số địa phương bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp 130 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho 24 địa phương để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã xuất cấp 52 nghìn tấn gạo; đồng thời đang phối hợp với các địa phương xác định nhu cầu cụ thể để xuất cấp cho người dân đảm bảo không quá số lượng Thủ tướng quyết định.

Về thu ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, 8 tháng của năm 2021, thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 1.000 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới.

Theo Bộ Tài chính, thu nội địa ước đạt 820,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 đạt 57,9% dự toán, giảm 9,9%). Thu từ dầu thô ước đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 157,5 nghìn tỷ đồng, bằng 88,2% dự toán, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Ước tính 54/63 địa phương có thu nội địa đạt trên 67% dự toán; trong đó có 47 địa phương thu đạt trên 70% dự toán như Hà Nam, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Quảng Trị, Đồng Nai...; 51 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ...

Có 8 địa phương có tiến độ thu dự toán đạt thấp là Bắc Kạn 65,2%; Đồng Tháp 65,1%; Kiên Giang 63,3%; Sơn La 63,3%; Cần Thơ 62,4%; Đà Nẵng 61,2%; Tiền Giang 58,6% và Hoà Bình 57,8%.

Bộ Tài chính cho rằng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, kết quả thu ngân sách 8 tháng là tích cực, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì được mức tăng trưởng khả quan như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến rất phức tạp, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký Quyết định 1376/QĐ-TTg ngày 1/8/2021 bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế số tiền 5.100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chủ động quyết định việc sử dụng kinh phí được giao cho phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến của công tác phòng, chống dịch và phù hợp với yêu cầu chuyên môn theo từng giai đoạn.

Nguồn lực tài chính phải được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng thời điểm

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, về việc tiết kiệm chi thường xuyên, dự kiến ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm được khoảng 11 nghìn tỷ đồng trong năm 2021. Đây là một con số rất lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho hoạt động chi tiêu chung của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là những mục tiêu phòng chống dịch Covid-19. Qua đó, giúp sớm khống chế được dịch Covid-19 trên diện rộng.

“Với sự chủ động điều hành ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính, nguồn lực nói chung và nguồn lực từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên nói riêng sẽ đáp ứng kịp thời các nhu cầu phòng chống dịch cũng như các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của ngân sách Trung ương theo quy định”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Bộ Tài chính đã kịp thời tháo gỡ về cơ chế cho địa phương trong việc cân đối, bố trí nguồn lực mua sắm trang thiết bị phòng dịch; yêu cầu cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp làm đúng quy định, không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong thực hiện.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần lưu ý, dù được chủ động quyết định sử dụng, mua sắm theo các kịch bản và phương án ứng phó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được phép mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh, nhưng Quốc hội, Chính phủ cũng yêu cầu hạn chế tối đa việc lãng phí nguồn lực.

Trong việc thực thi cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian thực thi công việc, nhưng phải nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát và có các chế tài nghiêm minh với các hành vi tham nhũng, trục lợi.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguồn lực tài chính được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng thời điểm sẽ phát huy tác dụng cao nhất. Vì thế, trong bối cảnh nguồn lực còn khó khăn, dịch bệnh có thể còn kéo dài, việc không để xảy ra tiêu cực, lãng phí trong sử dụng nguồn lực tài chính là rất quan trọng.

P.Giang (T/h)