Trọng tài thương mại thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam

18:00 | 11/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hiện nay, trọng tài thương mại là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro trong kinh doanh, đầu tư hiệu quả. Phương thức giải quyết tranh chấp này góp phần đảm bảo an toàn các dòng vốn đầu tư nước ngoài khỏi các rủi ro pháp lý luôn có thể gặp phải trong hoạt động làm ăn kinh doanh. Từ đó thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Sáng 11/5, hội thảo “Trọng tài thương mại - Thêm tự tin cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài” được tổ chức bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Tòa trọng tài Phòng Thương mại Thế giới (ICC) đã diễn ra tại Hà Nội.

Đây là cơ hội dành cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp đang hợp tác kinh doanh với nhóm doanh nghiệp FDI, các luật sư đang làm việc với các khách hàng là các doanh nghiệp FDI, các chuyên gia... trao đổi về phương thức trọng tài thương mại, những rủi ro và bài học kinh nghiệm khi sử dụng phương thức trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp. Điều này giúp cho các doanh nghiệp có cái nhìn rõ ràng hơn nữa về phương pháp giải quyết tranh chấp cũng như sử dụng hiệu quả hơn các công cụ này để bảo đảm an toàn các dòng vốn đầu tư khỏi các rủi ro pháp lý luôn có thể gặp phải trong hoạt động làm ăn kinh doanh. Qua đó, làm nổi bật vai trò của trọng tài thương mại là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro trong kinh doanh, đầu tư hiệu quả.

Tại buổi hội thảo, các diễn giả đánh giá Việt Nam hiện nay là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong khu vực và thế giới. Một trong những động lực lớn đóng góp vào sự tăng trưởng đó là hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trọng tài thương mại thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam - ảnh 1
Ông Kevin Kim - Phó Chủ tịch Tòa trọng tài ICC. (Ảnh: DNVN/Dương Hòa)

Thông qua cái nhìn tổng quan về trọng tài thương mại như một cơ chế giải quyết tranh chấp “nhất định phải có” trong bối cảnh hội nhập, ông Kevin Kim, Phó Chủ tịch Tòa án trọng tài ICC cho biết: FDI tuy là một bộ phận cấu thành quan trọng và là động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, nhưng các dòng vốn đầu tư nước ngoài, dòng chảy thương mại xuyên biên giới lại luôn “nhạy cảm” và không ngừng dịch chuyển, phụ thuộc nhiều vào yếu tố điểm đến đầu tư.

Do đó, để tăng thêm “tự tin” cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, ông Kevin Kim cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, minh bạch hóa hệ thống pháp luật; đảm bảo tính sẵn có và hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp; đảm bảo hiệu lực thi hành của các bản án, phán quyết trọng tài và tôn trọng quyền được tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp.

Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC cho biết, 40% doanh nghiệp FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án.

Các số liệu trích từ PCI 2017 phân tích về xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp của nhóm doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho thấy, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp FDI không muốn sử dụng thủ tục tố tụng tại tòa án để giải quyết tranh chấp như năng lực cán bộ tòa chưa đáp ứng được yêu cầu khi giải quyết tranh chấp phức tạp, các phán quyết của tòa chưa công bằng, thời gian giải quyết tranh chấp lâu, kéo dài phát sinh chi phí cho doanh nghiệp… 

Theo Tổng thư ký VIAC, ông Vũ Ánh Dương, để đảm bảo Việt Nam luôn là điểm đầu tư hấp dẫn, để các doanh nghiệp FDI hoạt động ổn định tại Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp đã và đang có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài như thành công của Chính phủ Việt Nam. Theo ông Vũ Ánh Dương, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, tiếp tục minh bạch hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo tính sẵn có và hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo quyền được tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, bảo đảm hiệu lực thi hành của các bản án và phán quyết trọng tài.