Trọng tài và hòa giải: Phương pháp giải quyết tranh chấp bảo hiểm hiệu quả

16:34 | 17/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đi cùng sự phát triển kinh tế, ngành bảo hiểm ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm cũng ngày càng tăng cao. Ngoài tòa án, trọng tài và hòa giải là phương án hiệu quả cho doanh nghiệp bảo hiểm trong giải quyết tranh chấp.

Ngày 17/7, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) tổ chức hội thảo "Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải - phương án khả thi cho doanh nghiệp bảo hiểm".

Trọng tài và hòa giải: Phương pháp giải quyết tranh chấp bảo hiểm hiệu quả - ảnh 1
Ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. (Ảnh: DNVN/ Dương Hòa)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, với tính ưu việt về thời gian giải quyết, tính linh hoạt của thủ tục cũng như việc trao quyền cho các bên được lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực bảo hiểm để giúp các bên phân xử, trọng tài thương mại thực sự là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp bảo hiểm, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho các doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo quan điểm của ông Bùi Gia Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm, hiện nay, tranh chấp trong hoạt động bảo hiểm đang được các doanh nghiệp hội viên quan tâm nhiều hơn bởi cùng với sự tăng trưởng của thị trường thì sẽ có sự gia tăng các tranh chấp, và các vụ tranh chấp cũng ngày càng phức tạp hơn. Giải quyết được những tranh chấp này thì mới có thể hoàn thành thủ tục bồi thường bảo hiểm và càng thực hiện nhanh chóng thì càng đạt được mục tiêu của bảo hiểm và tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm bảo hiểm.

Ông cho biết, vấn đề giải quyết tranh chấp hiện đang được thực hiện tại Tòa án và Trọng tài. Hiện tại, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng đã thành lập trung tâm hòa giải, đây là trung tâm duy nhất được Bộ Tư pháp cấp giấy chứng nhận.

Trọng tài và hòa giải: Phương pháp giải quyết tranh chấp bảo hiểm hiệu quả - ảnh 2
Quang cảnh Hội thảo "Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải - phương án khả thi cho doanh nghiệp bảo hiểm". (Ảnh: DNVN/ Dương Hòa)

Về thực trạng tranh chấp bảo hiểm trong thời gian qua, bà Phạm Thanh Hải, Trưởng Ban bán chuyên trách, Ban Pháp chế phi nhân thọ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: "Qua thời gian, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, các vụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tại Việt Nam ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp về nội dung với nhiều nguyên nhân khác nhau". Bà Hải nhận định, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp định hướng cho các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, bà Trương Thanh Thủy - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, các loại tranh chấp thường phát sinh từ Hợp đồng bảo hiểm và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam giải quyết trong thời gian qua bao gồm: Tranh chấp về Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ giải thích điều kiện; Tranh chấp về hiệu lực của đơn bảo hiểm; Tranh chấp về nộp chậm phí bảo hiểm và Tranh chấp trong việc nhận “Thế quyền”  truy đòi bên thứ ba.

Qua một số vụ việc, bà Thủy cho rằng, để có thể đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia bảo hiểm, cần xây dựng 1 khung pháp lý hoàn thiện cho việc hòa giải; đồng thời cần bổ sung thêm điều khoản giải thích từ ngữ trong hợp đồng bảo hiểm, cần có điều khoản thể hiện người mua bảo hiểm khẳng định đã được giải thích đầy đủ về điều khoản của hợp đồng bảo hiểm.

Cùng với đó, các bên tham gia bảo hiểm cần có sự thỏa thuận về cơ quan sẽ đưa ra ý kiến ràng buộc cuối cùng về nguyên nhân tổn thất (như khi xác minh về yếu tố thời tiết bất khả kháng, hay nguyên nhân cháy nổ....).

Bên cạnh phương thức trọng tài thương mại, một phương thức giải quyết tranh chấp mới cũng đang được doanh nghiệp quan tâm hiện nay chính là hòa giải thương mại. Ông Phan Trọng Đạt, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam giới thiệu tại hội thảo một số nội dung cơ bản, các nguyên tắc của Quy tắc Hòa giải, Biểu phí Hòa giải... Đây có thể là một gợi mở hữu ích, giúp các doanh nghiệp bảo hiểm tìm ra hướng đi mới trong giải quyết tranh chấp bảo hiểm.

Ngày 24/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại. Trước đó, vào năm 2015 Quốc hội đã ban hành Bộ luật Tố tụng Dân sự, trong đó dành hẳn 1 chương để quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo đó, Tòa án sẽ công nhận các kết quả hòa giải được tiến hành theo thủ tục hòa giải.

Ngay sau khi Nghị định về Hòa giải Thương mại được ban hành, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc triển khai Nghị định hòa giải, đăng ký bổ sung hoạt động hòa giải với Bộ Tư pháp, chính thức thành lập Trung tâm Hòa giải Việt Nam để thực hiện chức năng hòa giải. Hy vọng rằng bên cạnh phương thức trọng tài, các doanh nghiệp sẽ có thêm lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp đó là hòa giải để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.