Rút bảo hiểm xã hội một lần làm 'nóng' nghị trường Quốc hội

Đông Bắc 13:59 | 23/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Nội dung rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận.

  

Theo đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum), Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 để cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu  bảo hiểm xã hội một lần. Đại biểu bày tỏ băn khoăn tại sao một chính sách nhân văn như vậy nhưng lại không được người lao động đồng tình?

Vì vậy, ông Tám đề nghị tiếp tục làm rõ vấn đề này, đảm bảo sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống. Nếu áp dụng phương án 1, đại biểu lo ngại rằng người lao động không đồng tình; còn phương án 2 thì cho phép người lao động được rút tối đa “không quá 50%” tổng số thời gian đóng. Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia BHXH nữa.

Đồng thời nên quy định theo hướng người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần và khi đó người lao động chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì “được Nhà nước bảo lưu” để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi họ hết độ tuổi lao động.

 

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (tỉnh Bắc Giang). Ảnh Quochoi.vn.

Hiến kế về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Thịnh (tỉnh Bắc Giang) đề xuất giải pháp: Nên cho phép người lao động rút BHXH một lần nhưng cần có “phương án trung gian”. Đó là khi người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần, trước mắt sẽ được dùng sổ bảo hiểm, xác định được số tiền rút một lần chuyển sang cơ quan Ngân hàng Chính sách thì sẽ được rút số tiền đó từ ngân hàng.

“Chi phí đó thì người lao động chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH”, ông Thịnh nêu, đồng thời nhấn mạnh, nên thu hút người lao động bằng các lợi ích chứ không nên giữ chân bằng cách hạn chế.

Tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (tỉnh Tiền Giang) cho rằng, nếu chọn Phương án 1 sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia BHXH trước và sau khi luật này có hiệu lực. Bởi một trong những lý do chính khiến người lao động rút BHXH một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt.

Mặt khác, quy định như phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập còn rất thấp.

“Do vậy, việc rút bảo hiểm xã hội một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ”, đại biểu nêu.

Như vậy sẽ không tạo động lực để người lao động trẻ, lao động mới tham gia BHXH, không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng của BHXH như quan điểm xây dựng luật đã nêu, khiến cho mục tiêu, ý nghĩa của chính sách không đạt được như Nghị quyết 28 của Trung ương đề ra.

Còn nếu chọn phương án 2, người lao động vẫn có thể rút một lần như hiện nay nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động cũng là tiền của người lao động. Bên cạnh đó, việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt của cuộc sống.

Đặc biệt hơn khi người lao động rút một lần lại là phụ nữ thì việc sử dụng những khoản tiền này chủ yếu dành cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Vì các lý do nêu trên, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng BHXH một lần.

Đại biểu ủng hộ phương án người lao động vẫn được rút BHXH một lần và được rút một cách thỏa đáng nhất có thể. Ngoài ra, cần có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng vốn vay ưu đãi cho người lao động kèm theo công tác vận động truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện.

 

  Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh Quochoi.vn.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã có ý kiến về việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Bộ trưởng nêu rõ đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động. Để có đưa ra phương án bảo hiểm xã hội một lần cần hướng tới hai tới mục tiêu cơ bản.

Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia bảo hiểm xã hội là vẫn có quyền để giúp bảo hiểm xã hội. Thứ hai là phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già là có lương hưu đảm bảo cuộc sống.

Trước ý kiến một số đại biểu nêu nhiều về vấn đề mức cho rút khác nhau, Bộ trưởng cho biết: "Ban soạn thảo đưa ra phương án 2, thì ở đây 50 – 50 là thời gian đóng chứ không phải mức đóng. Để lại 50% là để lại cho người lao động và được ghi nhận trong sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi bảo hiểm xã hội. Khi người lao động quay trở lại tham gia thì được cộng hưởng tiếp thời gian đóng. Còn nếu không tham gia thì khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hàng tháng".

Hiện tại khó có thể đưa ra một phương án tối ưu mà sẽ đi theo phương án nhiều ưu điểm hơn. Việc điều chỉnh hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng là người lao động có quyền vấn đề này nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau khi Luật có hiệu lực, Bộ trưởng nhấn mạnh.