Kỳ vọng tăng trưởng nào cho nhóm ngành bảo hiểm?
Theo Báo cáo Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), doanh thu phí bảo hiểm riêng công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.363 tỷ đồng, tăng trưởng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 262 tỷ đồng, tăng trưởng 61,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 253,5 tỷ đồng, tăng trưởng 70,4%.
Đối với Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt, Báo cáo Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 (trước soát xét), công ty mẹ và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu hợp nhất đạt 28.355 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 973 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (BVF), trong 6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực quản lý quỹ và lĩnh vực kinh doanh chứng khoán tiếp đà tăng trưởng tốt với tổng tài sản quản lý ròng đạt gần 117.000 tỷ đồng, tăng 7,3% so với thời điểm 31/12/2022; tổng doanh thu đạt 78 tỷ đồng tăng trưởng 25% so với cùng kỳ 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng.
Với các danh mục ủy thác và quỹ đầu tư, các danh mục đều tăng trưởng dương và vượt mức tăng trưởng kỳ vọng của khách hàng. Đặc biệt, so với mặt bằng thị trường quỹ mở, Quỹ Đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) nằm trong top 3 quỹ mở đầu tư cổ phiếu đứng đầu về hiệu quả hoạt động với mức tăng trưởng tại ngày 30/6/2023 là 17%, tương đương mức tăng trưởng cao hơn chỉ số tham chiếu VN30 là 5,2%.
Theo giới phân tích, kết quả này nhờ thu nhập đầu tư cải thiện do lãi suất tăng từ cuối năm 2022.
Cụ thể, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tuy tổng doanh thu phí bảo hiểm giảm sút, riêng 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 93.178 tỷ đồng, giảm gần 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nhờ nguồn phí bảo hiểm được tích lũy trong quá khứ, cộng thêm các khoản lãi đầu tư theo thời gian nên tổng giá trị đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt kết quả khả quan.
Hiện, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam sở hữu mô hình kinh doanh dựa trên hai nguồn lợi nhuận chính là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và lợi nhuận tài chính từ các khoản đầu tư.
Trong khi thông tin tiêu cực về kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) từ đầu năm cùng với người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến nhu cầu mua bảo hiểm mới giảm, lợi nhuận tài chính từ các khoản đầu tư vào chứng khoán, tiền gửi tiết kiệm, ủy thác đầu tư... đang phát huy hiệu quả.
Theo Ban lãnh đạo của Bảo hiểm Bảo Việt, doanh nghiệp này duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng thu nhập đầu tư trong nửa cuối năm 2023 vì hầu hết các khoản đầu tư hiện tại của doanh nghiệp vẫn đang hưởng lợi suất cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp này đang xem xét tái cơ cấu danh mục đầu tư để chuyển sang trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng thương mại phát hành nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Về phía Công ty Bảo hiểm quân đội, đối với hoạt động đầu tư tài chính, trái phiếu hiện chiếm khoảng 10% tổng tài sản sinh lời của công ty, ồm một phần của doanh nghiệp sản xuất và công ty tài chính.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, những trái phiếu này đều trả lãi đúng hạn và có tài sản đảm bảo gấp 3 lần so với giá trị trái phiếu. Còn về hoạt động ủy thác đầu tư, doanh nghiệp xác định lãi kỳ vọng ở mức 9%, phí uỷ thác dao động ở mức phù hợp nếu lợi nhuận cao.
Không những tối ưu hóa trong lĩnh vực tài chính, Chuyên viên cao cấp Huỳnh Thị Hồng Ngọc của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap đánh giá, kết quả kinh doanh của Bảo hiểm Bảo Việt sẽ khả qua hơn khi doanh nghiệp đồng thời ưu tiên tối ưu hóa biên lợi nhuận so với duy trì thị phần phi nhân thọ.
Theo Ban lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Việt, doanh nghiệp không áp dụng chiến lược giảm phí bảo hiểm trong bối cảnh cạnh tranh cao trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ để duy trì tỷ suất lợi nhuận. Doanh nghiệp sẽ tăng cường mối quan hệ với các đối tác lâu dài để cải thiện dịch vụ bán hàng và hậu mãi; đồng thời, thay đổi tư duy khách hàng để giảm thiểu rủi ro bảo hiểm, cũng như nâng cao kiến thức của nhân viên để giảm nguy cơ kiện tụng như nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Ngô Trung Dũng cho rằng, trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ đã hiện diện trong mọi lĩnh vực của chuỗi giá trị bảo hiểm, từ khâu nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng đến thiết kế sản phẩm, bán sản phẩm rồi quản lý hợp đồng bảo hiểm và thẩm định.
Khảo sát của Công ty Báo cáo đánh giá Việt Nam chỉ ra rằng, công nghệ bảo hiểm (Insurtech) phát triển mạnh mẽ và áp dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị ngành bảo hiểm hiện nay tại các doanh nghiệp là cơ hội lớn nhất thúc đẩy sự phục hồi cho toàn ngành. Thị trường Insurtech tại Việt Nam được dự đoán sẽ sớm đạt mức hàng chục tỷ USD và phát triển gần 50% mỗi năm theo báo cáo của Google và Bain năm 2022.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giúp khách hàng nắm được thông tin một cách minh bạch, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ có thể giúp cá nhân hóa sản phẩm bảo hiểm theo nhu cầu thực tế của từng khách hàng, hoặc mức độ rủi ro thay vì thiết kế các sản phẩm “đại trà” như trước.
Trên thị trường, cổ phiếu nhóm ngành bảo hiểm cũng được giới phân tích đánh giá khả quan từ nay đến cuối năm. Đóng phiên 9/8, cổ phiếu BVH đứng giá 47.400 đồng, BIC có giá 29.050 đồng, MIG có giá 19.900 đồng/đơn vị.