Bộ Tài chính: Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị hạn chế đầu tư bất động sản
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính) tại buổi họp báo chuyên đề về Luật Kinh doanh bảo hiểm diễn ra chiều 15/9 cho biết, nguyên tắc của ngành bảo hiểm là đảm bảo an toàn, vì vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã yêu cầu các công ty hạn chế đầu tư vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản .
Cụ thể, ông Huyền cho biết ngày 16/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022 với 7 Chương, 157 Điều, có hiệu lực từ 1/1/2023. Trong đó, luật đã sửa đổi, bổ sung một loạt quy định để thực hiện cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại với đối tác nước ngoài, như đơn giản thủ tục thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn doanh nghiệp bảo hiểm trong nước...
Đáng chú ý, ông Huyền cũng thông tin thêm về quy định mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 trong việc kiểm soát các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung quy định công ty bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản, trừ một số trường hợp, như mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của công ty.
Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm cũng được nắm giữ bất động sản từ hoạt động xử lý trái phiếu hoặc đối trừ công nợ phải thu có đảm bảo bằng bất động sản. Tuy nhiên, việc nắm giữ này chỉ được kéo dài tối đa 3 năm, sau đó doanh nghiệp bảo hiểm phải tiến hành chuyển nhượng hoặc thanh lý bất động sản.
Trước đó, quy định của luật cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 10-20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ.
Về thay đổi kể trên, ông Nguyễn Quang Huyền cho biết các quy định này xuất phát từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm là phải đảm bảo nguyên tắc an toàn vốn để thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Vì vậy, các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm cần hướng vào những lĩnh vực an toàn.
Luật Kinh doanh bảo hiểm vẫn khuyến khích các doanh nghiệp tái đầu tư nguồn lực vào nền kinh tế. Tuy nhiên, việc đầu tư này cần đảm bảo an toàn. “Doanh nghiệp bảo hiểm mà lại kinh doanh rủi ro như đầu tư toàn bộ vào bất động sản , hay các kênh rủi ro khác thì không phù hợp với quy chuẩn chung của ngành”, ông nói.
Cũng theo, Phó cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, với quy định công ty bảo hiểm được cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, điều này xuất phát từ thực tế một số doanh nghiệp có trụ sở thừa không dùng tới thì được phép cho thuê.
Tương tự là quy định cho phép mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán. Ông Huyền cho rằng các cổ phiếu niêm yết này đã trải qua cơ chế giám sát của cơ quan quản lý chứng khoán và đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn, hoạt động, nên doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư.
Về cơ chế kiểm soát, ông Huyền cho biết trước hết, việc kiểm soát sẽ đến từ chính các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là các đơn vị đã đáp ứng những tiêu chí của Luật Chứng khoán. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý bảo hiểm cũng kiểm soát hoạt động đầu tư này của doanh nghiệp theo hướng hậu kiểm.
“Luật đã có các quy định rõ ràng, cho phép doanh nghiệp được làm gì, không được làm gì trên hồ sơ đăng ký. Sau này có hai hình thức giám sát là từ xa và tại chỗ, thông qua thanh tra, kiểm tra. Nếu xác định doanh nghiệp có vi phạm thì sẽ bị xử lý”, lãnh đạo Cục quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh.
Quốc hội tán thành yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm hạn chế đầu tư kinh doanh BĐS
Trước đó, ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với đa số ý kiến tán thành, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ một số trường hợp luật định.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 với điểm đáng chú ý là doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.
Doanh nghiệp bảo hiểm cũng không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng sẽ được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng.
Đồng thời, được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản.
Việc siết hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của doanh nghiệp bảo hiểm đã được cơ quan soạn thảo đưa ra từ lần xây dựng dự thảo đầu tiên. Trước đó, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 10-20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ.
Bên cạnh quy định về việc đầu tư bất động sản, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng quy định các doanh nghiệp bảo hiểm không được đi vay để đầu tư chứng khoán; không đầu tư vào kim loại quý, đá quý; không đầu tư chứng khoán phái sinh hoặc hợp đồng phái sinh, trừ trường hợp chứng khoán phái sinh niêm yết nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm.
Các doanh nghiệp này cũng không được thực hiện các hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, trừ việc thành lập, góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài.
Ngoài các quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, các quy định mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm khi đầu tư ra nước ngoài phải tách biệt việc đầu tư và không được dùng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.