Trung Quốc bơm hơn 5.000 tỷ để phục hồi kinh tế
Con số hơn 5.000 tỷ được Bloomberg tính toán dựa trên các biện pháp tài khóa và tiền tệ được chính phủ Trung Quốc công bố cho đến nay.
Cụ thể, theo ước tính của Bloomberg, các biện pháp kích thích kinh tế mà chính phủ Trung Quốc cam kết cho năm 2022 đã lên tới 35.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 5.300 tỷ USD) tính đến nay.
Trong đó, các biện pháp tài khóa bao gồm chi tiêu ngân sách chung của Trung Quốc với số tiền được phát hành thông qua trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương và cắt giảm thuế, phí. Chính sách tiền tệ bao gồm hàng trăm tỷ nhân dân tệ thanh khoản được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) giải phóng thông qua các khoản vay chính sách, cắt giảm tỷ lệ dự trữ (RRR) cho các ngân hàng, cũng như các khoản vay giá rẻ để giúp các doanh nghiệp nhỏ và các dự án xanh trong thời kỳ đại dịch.
Mặc dù con số này tương đương với khoảng gần 1/3 quy mô GDP nền kinh tế 17 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, nhưng trên thực tế nhỏ hơn gói kích thích kinh tế vào năm 2020 khi đại dịch lần đầu tiên xảy ra. Điều đó cho thấy, chính phủ Trung Quốc thậm chí có thể phải chi nhiều hơn nếu nền kinh tế không cải thiện, một khả năng đã được Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu ra vào đầu tuần trước.
David Qu, nhà kinh tế Trung Quốc tại Bloomberg Economics, cho biết: “Trụ cột của chính sách kinh tế trong năm nay là chi tiêu tài khóa và đầu tư của chính phủ, còn ngân hàng trung ương chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Vẫn còn nhiều dư địa cho một chính sách tài khóa mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong việc hồi phục tăng trưởng hiện nay”.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu áp lực rất lớn khi phải đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm nay, trong khi Thượng Hải và các khu vực khác đang đóng cửa để ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID khiến sản lượng công nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020. Điều này khiến các nhà kinh tế hoài nghi liệu Bắc Kinh có khả năng đạt cùng lúc 2 mục tiêu về tăng trưởng và Zero-COVID hay không.
Thực tế, hầu hết các biện pháp kích thích tăng trưởng của Trung Quốc đã được công bố tại phiên họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào đầu tháng 3, ngay trước khi một số thành phố bị phong tỏa. Các nhà phân tích cho rằng chính phủ có thể công bố thêm các biện pháp khác nếu cần thiết trong năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể sẽ hành động một cách thận trọng, đặc biệt trong việc chống lại lạm phát, hoặc phải lặp lại chiến lược tương tự như phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 dẫn đến nợ tăng vọt.
Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng tại Standard Chartered Group Plc, cho biết: “Trung Quốc cần hỗ trợ thêm nếu nền kinh tế tiếp tục lao dốc nhanh chóng". Ông dự báo tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tăng lên, vì PBOC gần đây cho biết tỷ lệ nợ trên GDP của đất nước sẽ đi lên trong năm nay. Ông cũng kỳ vọng nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng, các khoản cho vay có mục tiêu đối với doanh nghiệp nhỏ và các dự án xanh cũng sẽ tăng lên.
Các nhà phân tích cho rằng, biện pháp Trung Quốc thực hiện trong năm nay dù gì vẫn không đáng kể so với các gói hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khoản đầu tư bổ sung 4.000 tỷ nhân dân tệ trong năm đó chiếm đến 13% giá trị nền kinh tế Trung Quốc. PBoC cũng đã tích cực giảm lãi suất cho vay hơn 200 điểm cơ bản trong một năm và giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) với các ngân hàng.
“So với năm 2018, bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều thách thức hơn cho Trung Quốc trong việc thúc đẩy tăng trưởng”, ông David Qu nói, đồng thời cho biết thêm rằng mức lãi suất vào thời điểm đó cao, cho phép PBoC đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng quyết liệt hơn. Đầu tư lúc ấy cũng hấp dẫn hơn do nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh trong khi các nước khác trên thế giới cũng đang tăng cường các biện pháp thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Còn hiện nay, Trung Quốc đang phải một mình đối mặt với tất cả những vấn đề này. Đầu tư do chính phủ chủ trương là biện pháp duy nhất có thể thực hiện trong ngắn hạn, ông Qu nhận định.
Trong năm nay, PBoC đã đã không mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ khi chỉ cắt giảm 10 điểm cơ bản lãi suất chính sách vào tháng 1, thấp hơn so với 30 điểm cơ bản trong 2 lần cắt giảm 4 tháng đầu năm 2020.
Ngân hàng trung ương cũng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc một lần duy nhất, ít hơn ba lần cắt giảm được thực hiện vào thời điểm này năm 2020. Sự thay đổi tỷ lệ RRR vào tháng 4 là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái.