Trung Quốc ép Alibaba thu hồi vốn đầu tư tại tờ South China Morning Post

14:14 | 16/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lo ngại sức ảnh hưởng của Alibaba đối với dư luận trong nước, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu Alibaba rút vốn đầu tư khỏi các công ty truyền thông, bao gồm cả tờ báo South China Morning Post.
Theo nguồn tin của của Bloomberg, một số lãnh đạo Bắc Kinh đã bày tỏ sự không hài lòng đối với đề chế truyền thông của Alibaba trong một số cuộc họp từ năm ngoái. Theo nguồn tin giấu tên này, các quan chức Chính phủ Trung Quốc đặc biệt khó chịu về ảnh hưởng của Alibaba đối với mạng xã hội ở Trung Quốc.
 
Nguồn tin của WSJ cho biết chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu Alibaba thoái vốn khỏi một số lĩnh vực đầu tư liên quan đến truyền thông.
 
Trong nhiều năm qua Alibaba đã lặng lẽ xây dựng một đế chế truyền thông khổng lồ bao gồm các cửa hàng trực tuyến kiểu BuzzFeed, báo chí, truyền hình, mạng xã hội và công ty quảng cáo. Alibaba sở hữu 30% cổ phần tại Weibo Sina - nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc - và sở hữu tờ báo tiếng anh hàng đầu của Hong Kong South China Morning Post. Ngoài ra, Alibaba còn có trong tay hãng điện ảnh Alibaba Pictures Group Ltd. và nền tảng phát video trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Youku Tudou Inc.
 
Trung Quốc ép Alibaba thu hồi vốn đầu tư báo chíTrung Quốc ép Alibaba bán tài sản truyền thông, bao gồm cả tờ báo SCMP
 
Nguồn tin này cho biết cuộc thảo luận về việc bán tờ South China Morning Post đã bắt đầu vào năm ngoái. Mặc dù người mua lại tờ báo chưa được xác định, nhưng nguồn tin tiết lộ có thể là 1 nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
 
“Hãy yên tâm rằng cam kết của Alibaba đối với SCMP vẫn không thay đổi và sẽ tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ mục tiêu kinh doanh của chúng tôi”, Gary Liu, CEO của tờ SCMP nói.
 
Bloomberg đưa tin vào tháng 2 rằng, Bắc Kinh đã trở nên cảnh giác về việc nắm giữ phương tiện truyền thông của Alibaba sau khi nhiều bài đăng trên mạng xã hội Weibo tố cáo một giám đốc điều hành của Alibaba có hành vi ngoại tình đột nhiên biến mất, điều này đã khiến các quan chức trong Chính phủ Trung Quốc nổi giận.
 
Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc ngay sau đó đã gửi báo cáo lên chính quyền Bắc Kinh, nêu rõ: “Alibaba sử dụng sức mạnh truyền thông để thao túng dư luận”.
 
Theo nhà bình luận Trung Quốc Song Qinghui, Bắc Kinh lo ngại rằng Alibaba có thể sử dụng tài sản truyền thông của mình như một công cụ để kiểm soát dư luận.
 
Ông này cũng cho biết, phương tiện truyền thông của Alibaba đã đóng một vai trò trong việc ảnh hưởng đến quan điểm của công chúng về lĩnh vực fintech mới nổi.
 
Ảnh hưởng rộng lớn của các dịch vụ truyền thông do Alibaba đứng sau được coi là sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với Chính quyền Bắc Kinh và bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc.
 
Ở Trung Quốc, Jack Ma được tôn kính với hình ảnh là một trong những doanh nhân thành công nhất của nước này. Tuy nhiên, hình ảnh của ông đã bị ảnh hưởng đáng kể khi ông từng chỉ trích dữ dội hệ thống ngân hàng Trung Quốc trong cuộc hội thảo ở Thượng Hải hồi tháng 10 năm ngoái.
Sau bình luận này của Jack Ma, chính quyền Bắc Kinh đã đột ngột đình chỉ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) ước tính trị giá 37 tỷ USD của Ant Group hồi tháng 11 năm ngoái.
 
Bloomberg đưa tin, Trung Quốc đang siết chặt hoạt động quản lý nhằm làm giảm sự ảnh hưởng của các ông trùm công nghệ nước này. Nhiều dấu hiệu cho thấy sau Alibaba đích nhắm tiếp theo của chính quyền Trung Quốc sẽ là Tencent. Tuần trước, CEO của tập đoàn này đã bị phạt số tiền 500.000 nhân dân tệ (77,000 USD) vì khoản đầu tư vào ứng dụng giáo dục trực tuyến Yuanfudao trong năm 2018.
 
Theo Bloomberg, hiện chưa biết Alibaba có phải rút hết vốn khỏi các hoạt động kinh doanh truyền thông hay không, nhưng Blooberg cho biết bất kỳ kế hoạch nào mà Alibaba đưa ra đều cần được sự chấp thuận của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.
 
H.A (Theo Bloomberg)