Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ và hệ lụy tới Việt Nam
Xung quanh cuộc chiến thương mại đang ngay càng gay cấn giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như những ảnh hưởng đối với kinh tế Việt Nam, đặc biệt sau khi Trung Quốc giảm giá NDT so với đồng đô la Mỹ, PV Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực để có những cái nhìn rõ nét hơn.
Thưa ông, qua động thái giảm giá đồng NDT của Trung Quốc vừa qua, ông đánh giá như thế nào về tác động của sự kiện này? Đặc biệt là đối với thị trường tài chính Việt Nam?
Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Trung Quốc sẽ không dùng công cụ tiền tệ để giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại với hai lý do chính: Thứ nhất, bởi họ không muốn bị tiếng thao túng tiền tệ, thứ hai Trung Quốc đang trong lộ trình quốc tế hóa đồng NDT và một trong những lộ trình quan trọng là phải ổn định được tỷ giá.
Qua đánh giá, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ có tác động tương đối tiêu cực đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn. Do thế giới đang bất ổn hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ được dự báo giảm hơn so với năm ngoái, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cũng giảm, nên xuất khẩu không đạt mức tăng trưởng như năm ngoái.
Có thể thấy, xuất khẩu đang gặp khó khăn trong ngắn hạn, tuy nhiên về lâu dài thì không đáng lo ngại. Bởi tương lai, dòng vốn dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra những hoạt động sản xuất, kinh doanh mới, với hàng hóa xuất khẩu mới. Do đó, xuất khẩu sẽ lại quay lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực như thời gian vừa qua.
Với tình thế hiện tại, theo nhận định của ông thì Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ có những quyết sách như thế nào?
TS. Cấn Văn Lực: Ngân hàng Nhà nước cần làm 3 việc: Đầu tiên, phối hợp chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài khóa phải làm chặt chẽ hơn, tốt hơn. Thứ hai phải tăng cường truyền thông để trấn an tâm lý bởi tâm lý về lạm phát, về tỉ giá của nhân ta tương đối nặng nề. Cuối cùng, cơ quan quản lý cần phải có thông điệp với thị trường, với người dân và doanh nghiệp vừa để trấn an vừa để đảm bảo tính ổn định của thị trường. Bên cạnh đó, cần theo dõi, phân tích đánh giá thị trường và tác động của biến động tỉ giá.
Còn đối với doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh và đánh giá kỹ hơn tác động của chiến tranh thương mại và các rủi ro thương mại khác tác động tới ngành nghề kinh doanh của mình, doanh nghiệp mình để có giải pháp cụ thể.
Ngoài ra, các ngân hàng cần chú trọng hơn công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính, về tỉ giá, lãi suất…Đáng chú ý là các công cụ này hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại đều có. Do đó, cần sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp để kiểm soát rủi ro về lãi suất với tỉ giá tốt hơn.