Trung Quốc lại `cấm cửa` thịt cừu của hai cơ sở chế biến lớn nhất Australia

21:46 | 09/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trung Quốc lại lấy lý do lo sợ "nhập khẩu" COVID-19 vào trong nước, từ thực phẩm chế biến đóng sẵn của các nước đang có dịch COVID-19 để cấm nhập khẩu thịt cừu của hai cơ sở chế biến lớn nhất Australia.
Trung Quốc đã quyết định tạm thời cấm công ty Australia Lamb và JBS Brooklyn, hai công ty chế biến thịt cừu lớn nhất của Australia, xuất sản phẩm sang thị trường Trung Quốc do lo ngại dịch COVID-19.
 
Dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong vài tháng qua tại bang Victoria, nơi đặt nhà máy chế biến của cả hai công ty trên, khiến các công ty này phải đóng cửa và tạm ngừng các giao dịch kể cả tại thị trường trong và ngoài nước.
 
Đến nay, dù đã mở cửa trở lại, nhưng Australia Lamb và JBS Brooklyn vừa nhận được thông báo cấm nhập khẩu của Trung Quốc.
 
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt cừu lớn nhất của Australia tính theo khối lượng kể từ năm 2012. Đến năm 2019, nước này đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất của ngành công nghiệp thịt cừu Australia. Giai đoạn năm 2019-2020, xuất khẩu cừu và các chế phẩm thịt cừu của Australia sang Trung Quốc đạt giá trị gần 780 triệu AUD (khoảng 546 triệu USD).
 
Trung Quốc lại `cấm cửa` thịt cừu của hai cơ sở chế biến lớn nhất Australia - ảnh 1
 
Cuối tháng 11/2020, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết chính phủ của ông đang xem xét việc đệ đơn khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối mức thuế mà Trung Quốc áp đặt đối với lúa mạch.
 
Australia đã bày tỏ "sự quan ngại ngày càng gia tăng" trước hàng loạt động thái của Trung Quốc, sau khi thịt cừu của Canberra trở thành sản phẩm mới nhất bị Bắc Kinh "cấm cửa". Trung Quốc đã ban lệnh cấm nhập khẩu từ 2 công ty Australia JBS Brooklyn và Australian Lamb.
 
Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết ông đã đề cập vấn đề này trực tiếp với Bắc Kinh và bỏ ngỏ việc khiếu nại Trung Quốc lên WTO.
 
"Những sự gián đoạn (trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa Australia của Trung Quốc) ngày càng gia tăng trong những tháng gần đây. Bản chất những động thái của Trung Quốc nhằm vào hàng hóa Australia làm gia tăng lo ngại về sự tuân thủ của Bắc Kinh với văn bản và tinh thần của cả ChaFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc - Australia) và các nghĩa vụ của WTO", ông Birmingham cho hay.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud cho biết chính quyền nước này đang hành động để đảm bảo việc xuất khẩu thịt cừu được nối lại.
 
Trung Quốc lại `cấm cửa` thịt cừu của hai cơ sở chế biến lớn nhất Australia - ảnh 2
Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham
 
Theo News.com.au, lệnh cấm được ban hành sau khi truyền thông Trung Quốc đăng tải các bài viết về giả thuyết rằng Covid-19 có thể đã xâm nhập vào Trung Quốc thông qua thịt đông lạnh, bao gồm thịt nhập từ Australia. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đó từng nói rằng chưa có bằng chứng cho thấy Covid-19 có thể lây lan thông qua thịt đông lạnh và bao bì. 
 
Quan hệ giữa giữa Trung Quốc và Australia đã nảy sinh vấn đề từ năm 2018 khi Australia không cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G vì lý do an ninh. Đầu năm nay, căng thẳng tiếp tục được nâng lên khi Australia thúc đẩy điều tra nguồn gốc Covid-19 và bác yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Với động thái trên, danh sách hàng hóa Australia bị Trung Quốc "cấm cửa" ngày càng dài thêm
 
Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng 5 thông báo áp thuế 80,5% với lúa mạch Australia từ ngày 19/5. Động thái diễn ra khoảng 1 tuần sau khi 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của Australia bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc do các vấn đề liên quan đến nhãn mác và kiểm dịch.
 
Tiếp đó, tới cuối tháng 10, Cục hải quan Trung Quốc bất ngờ bổ sung khâu kiểm tra hải quan đối với tôm hùm của Australia khiến hầu hết nhà cung cấp Australia đã dừng xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc.
 
Mới đây nhất, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 27/11 thông báo các nhà nhập khẩu rượu vang Australia sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá từ 107,1% đến 212,1% từ ngày 28/11.
 
Không chỉ dừng lại ở đó, một nghiên cứu mới của IBISWorld cho thấy, một số mặt hàng khác của Australia như các sản phẩm từ sữa, mật ong, hoa quả tươi, dược phẩm...cũng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
 
Trung Quốc chiếm 26% tổng kim ngạch thương mại của Australia trong năm 2018-2019, và là thị trường xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm của Australia như than, quặng sắt, rượu vang, thịt bò, du lịch và giáo dục. Trung Quốc cũng là thị trường du lịch quan trọng nhất với 1,4 triệu lượt khách tới thăm Australia mỗi năm và cũng đồng thời là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất với hơn 200.0000 sinh viên tại Australia.

Nguyễn Dung(t/h)