Trước khi rộ tin xấu, Quốc Cường Gia Lai kinh doanh ra sao?

Trang Mai 13:57 | 19/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong phiên giao dịch sáng nay 19/7, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đã giảm kịch sàn xuống còn 9.070 đồng/cp sau khi bị bán tháo rất mạnh, trắng bên mua.

Trước đó, một số thông tin xuất hiện trên báo chí cho hay sáng nay, nhiều xe cùng lực lượng thuộc Bộ Công an đã có mặt tại tòa nhà số 26 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. HCM. Địa chỉ này được đăng ký là nhà riêng của bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai. 

Hoạt động kinh doanh đầy thăng trầm

 CTCP Quốc Cường Gia Lai có tiền thân là Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường, được thành lập năm 1994. Công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, phát triển, kinh doanh bất động sản, thủy điện và trồng cây cao su. Trong gần ba thập kỷ kinh doanh, đã có lúc doanh nghiệp này báo lợi nhuận tới hơn 500 tỷ đồng, nhưng cũng sụt giảm mạnh xuống vỏn vẹn 1 con số. 

Thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất, kết quả kinh doanh của QCG khá thăng trầm. Năm 2007, dù chỉ có vỏn vẹn 13 tỷ đồng doanh thu thuần, nhưng số lợi nhuận sau thuế lên tới 129 tỷ đồng, nhờ sự tăng mạnh của hoạt động tài chính. Giai đoạn 2007-2010, doanh nghiệp có lãi liên tục, giao động từ 6 đến 283 tỷ. 

Sang 2011, QCG bất ngờ báo lỗ 44 tỷ đồng, “do ảnh hưởng chung của tình hình khủng hoảng tài chính nên chênh lệch trong doanh thu hàng bán không cao, ngược lại chi phí tài chính tăng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận cùng kỳ”. 

Giai đoạn 2012-2016, doanh nghiệp dần lấy lại phong độ khi đã có lãi, dù ở mức khá khiêm tốn, giao động 6-45 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm công ty tập trung cho nhiều dự án trọng điểm. 

Báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai - bà Nguyễn Thị Như Loan cho biết, HĐQT và Ban Tổng giám đốc công ty đã lập kế hoạch tập trung chuyển đổi những dự án chưa đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất chuyển từ mô hình nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, chia nhỏ diện tích và bán theo giá nhà thu nhập thấp, để thu dòng tiền tái đầu tư, khởi công xây dựng tiếp các dự án sẵn có của công ty, hạn chế tối đa nguồn vốn vay.

Năm 2015, QCG cho biết Phước Kiển là dự án cốt lõi của công ty với tổng diện tích lớn hơn 90ha - được công ty cho biết là dự án có diện tích lớn, vị trí đắc địa gần trung tâm nhất hiện nay. Công ty đã huy động được nguồn vốn góp của các đối tác khoảng 800 tỷ đồng (chia làm 2 giai đoạn). 

Từ năm 2016 trở đi, công ty kỳ vọng nguồn thu từ dịch vụ và thủy điện sẽ mang về cho QCG khoảng 120 tỷ đồng mỗi năm (chưa tính đến doanh thu của các dự án cao su, trong trường hợp thị trường cao su giá tốt). Về lâu dài bà Nguyễn Thị Như Loan cho rằng cao su sẽ mang lại kết quả khả quan.

Năm 2017, doanh nghiệp báo lãi đột biến với hơn 400 tỷ đồng. Nguyên nhân là bởi trong quý II và quý III, doanh nghiệp này cũng đã ghi nhận mức lợi nhuận tăng mạnh. Bên cạnh đó, trong năm 2017, QCG cũng ghi nhận doanh thu đến từ bàn giao dự án De Cabella tại quận 2 và chuyển nhượng cổ phần một số dự án quy mô nhỏ tại quận Thủ Đức và Tân Bình.  

Từ 2018 đến 2013, dù liên tục có lãi nhưng lợi nhuận có xu hướng giảm dần, chạm mốc 3 tỷ đồng trong năm 2023. 

 

Tại báo cáo mới nhất là kết quả kinh doanh trong quý I, doanh thu giảm mạnh từ 166 tỷ cùng kỳ xuống còn 39 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm xuống vỏn vẹn 651 triệu đồng. 

Điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của QCG là phần nợ phải trả thường xuyên chiếm trên 50% tổng tài sản, trong đó chủ yếu là người mua trả tiền trước ngắn hạn cùng vay và nợ thuê tài chính. 

Hàng tồn kho duy trì mức 6.000-hơn 8.000 tỷ từ năm 2016 đến 2023 quý I/2024, phần lớn là của dự án Phước Kiển. Dự án này có quy mô lớn, từng được kỳ vọng sẽ mang lại sự bứt phá cho công ty nhưng dính đến lùm xùm kiện cáo trong thời gian dài.

Theo tìm hiểu, dự án này có diện tích 91,6 ha nằm tại huyện Nhà Bè, TP HCM, Quốc Cường Gia Lai đã ký biên bản hợp tác với Sunny Island từ 2016 và bắt đầu hành trình khởi kiện từ cuối năm 2020.

Tháng 3/2017, CTCP Quốc Cường Gia Lai và CTCP Đầu tư Sunny Island (Sunny) đã ký với nhau Hợp đồng hứa mua và hứa bán liên quan đến Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển tại huyện Nhà Bè, TP HCM. Theo hợp đồng, Sunny sẽ phải chuyển cho QCG số tiền 4.800 tỷ đồng theo lộ trình được quy định trong hợp đồng và QCG có nghĩa vụ chuyển nhượng phần đất tương ứng với số tiền đã nhận.

Tuy nhiên, mâu thuẫn xảy ra khi Sunny chỉ giải ngân đến 2.882 tỷ đồng thì dừng lại. Trước động thái của Sunny thì sau khi quá hạn chuyển tiền, QCG đã nộp đơn khởi kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vào cuối năm 2020 để giải quyết tranh chấp. Mong muốn của QCG là trả lại toàn bộ 2.882 tỷ đồng đã nhận từ Sunny, đổi lại phía Sunny phải chuyển nhượng lại toàn bộ phần đất đã nhận.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của QCG, CEO Nguyễn Thị Như Loan cũng đã có báo cáo về vấn đề này. Theo bà Loan, từ tháng 5, Sunny Island đã giao hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích khoảng 65 ha tại dự án Phước Kiển cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mà không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc ủy quyền của QCG.

ĐHĐCĐ 2024 chưa thể diễn ra vì Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan và cổ đông lớn vắng mặt

Ngày 30/6 vừa qua,ĐHĐCĐ 2024 của QCG đã bất thành, nguyên nhân chính do Tổng Giám đốc là bà Nguyễn Thị Như Loan gặp vấn đề về sức khỏe. Bà Như Loan đang sở hữu 37,05% vốn QCG. Cùng với đó, con gái bà Loan là bà Huyền My – đồng thời là cổ đông lớn nắm 14,3% vốn – cũng vắng mặt.

"Vì sức khỏe của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Như Loan không tốt do phải mổ vào ngày 28/06 vừa rồi, đồng thời cổ đông lớn là bà Nguyễn Ngọc Huyền My cũng không thể tham dự. Sự việc bất khả kháng này khiến đại hội không thể tiếp tục, xin được dời vào một ngày khác theo quy định", đại diện ban kiểm tra tư cách cổ đông thông tin.

Đến thời điểm hiện tại, Quốc Cường Gia lai chưa công bố kế hoạch tổ chức ĐHCĐ thường niên lần 2. Theo tài liệu họp công bố trước đó, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 20 lần năm trước.

Ban lãnh đạo đặt mục tiêu năm nay tiếp tục hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 1/500 dự án Marina Đà Nẵng và triển khai thủ tục, kịp bán hàng trong quý 4. Đồng thời, công ty đưa vào khai thác 6 tầng thương mại dự án Giai Việt (quận 8, TPHCM) vào quý 3 năm nay; tiếp tục khai thác mặt bằng khu thương mại tại các dự án.

Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai lên kế hoạch có nguồn thu từ mủ cao su; hoàn tất chuyển nhượng 3 nhà máy thủy điện; hoàn tất thoái vốn tại công ty liên kết - Công ty cổ phần Quốc Cường Liên Á. Công ty sẽ hoàn thiện pháp lý các dự án dở dang, có tính khả thi cao và chuyển nhượng hàng tồn kho tại các dự án.

Theo thông tin mới nhất từ Báo Pháp luật TP HCM, khoảng 9 giờ sáng nay (ngày 19/7), hàng chục cảnh sát Bộ Công an và VKS có mặt tại căn biệt thự màu trắng của gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan, trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM. Đây là một trong các động thái của Bộ Công an trong việc mở rộng sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan.

Theo thông tin của Báo Pháp luật TP HCM, bà Loan bị cho là liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn. Khu đất này có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Bà Rịa, Cao su Đồng Nai quản lý.