Các lãnh đạo của Quốc Cường Gia Lai đang nhận lương bao nhiêu?
Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2022 của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) công bố mới đây hé lộ mức thu nhập khiêm tốn của lãnh đạo doanh nghiệp này.
Cụ thể, Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty gồm Chủ tịch Lại Thế Hà, bà Nguyễn Thị Như Loan, bà Trịnh Thị Mỹ Hạnh nhận tổng cộng 96 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, thu nhập tổng cộng của ban điều hành mỗi tháng chỉ có 11 triệu đồng.
Như vậy, mỗi thành viên HĐQT Quốc Cường Gia Lai bình quân chỉ nhận hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Tương tự, tổng giám đốc và phó tổng giám đốc doanh nghiệp hưởng thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/tháng. Trong vai trò CEO kiêm Thành viên HĐQT, ước tính bà Loan chỉ nhận hơn 10 triệu đồng mỗi tháng từ công ty.
Bà Nguyễn Thị Như Loan đang giữ chức thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc QCG. Bà Loan năm nay 63 tuổi, quê quán Bình Định. Quốc Cường Gia Lai được thành lập vào năm 1994 với tiền thân là công ty chuyên cung cấp gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ chế biến và các sản phẩm gỗ xuất khẩu, bàn ghế ngoài trời, trang trí nội thất...
Hiện nay, QCG đã phát triển trở thành một trong những công ty đa ngành nghề, gồm bất động sản, cao su, thủy điện, gỗ và xây dựng.
Bà Loan hiện là cổ đông lớn của QCG khi nắm giữ gần 102 triệu cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai, chiếm 37,05% vốn điều lệ QCG. Con trai bà Loan là Nguyễn Quốc Cường - Cường đô la sở hữu 537.500 cổ phiếu. Con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My sở hữu 39,4 triệu cổ phiếu QCG. Con rể bà Loan là Lầu Đức Duy sở hữu 10,5 triệu cổ phiếu QCG.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức vào ngày 24/6 vừa qua, bà Nguyễn Thị Như Loan trả lời cổ đông rằng, công ty đã không giải quyết được dự án ở nội đô nào trong 3 năm qua 2021 - 2023. Trong quá trình chờ chính sách được tháo gỡ, công ty đã gặp gỡ nhiều đối tác trong và ngoài nước nhưng nhiều công ty vẫn còn lo ngại do tình trạng pháp lý.
“Tôi không muốn, nhưng lực bất tòng tâm. Cổ đông hỏi tôi khi nào gỡ được pháp lý dự án, tôi xin thưa tôi không làm được. Hiện có đến hàng trăm dự án bị vướng. QCG cũng rất đau đầu và cố gắng hết sức rồi. Để có ngày hôm nay, cổ đông phải ghi nhận sự nỗ lực của công ty. Giờ nói muốn QCG làm tốt hơn, thì có ai làm được không mà nói chúng tôi làm. Cái này là quy định của pháp luật, chứ không phải tôi bất tài”, bà Loan nói.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, doanh thu của QCG tăng 24,4%, từ mức 135 tỷ đồng lên 168 tỷ đồng. Doanh thu chủ yếu từ bất động sản (133,6 tỷ đồng), còn lại bán hàng hóa (10,7 tỷ đồng) và bán điện (21,5 tỷ đồng). Tuy nhiên giá vốn cao đi kèm với chi phí tài chính tăng mạnh đã khiến doanh nghiệp chỉ còn ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức trên 900 triệu đồng, giảm tới 93% so với cùng kỳ năm trước.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của QCG tại thời điểm 31/3/2023 giảm nhẹ 2% so với đầu năm, đạt 9.734 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm xuống mức 25 tỷ đồng, tương ứng mức giảm gần 68% so với đầu kỳ.
Trong đó, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho lên tới 7.094 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 73% tổng tài sản. Phần lớn trong đó là bất động sản dở dang, chiếm 6.589 tỷ đồng.
Bất động sản sản dở dang của công ty chủ yếu liên quan đến các dự án Khu dân cư Phước Kiển, Dự án Lavida, Dự án Central Premium, Dự án Marina Đà Nẵng và một số dự án khác. Hàng hóa bất động sản bao gồm dự án xây dựng hoàn thành như Dự án Chung cư Quốc Cường Gia Lai II – Lô A, Dự án Decapella, Chung cư Giai Việt và một số dự án khác.
Tính tới hết quý I, tổng nợ phải trả của QCG đạt 5.394 tỷ đồng với 94% là nợ ngắn hạn. Phần nợ ngắn hạn hiện còn đang cao vượt cả vốn chủ sở hữu (4.340 tỷ).
QCG cũng ghi nhận vay dài hạn ngân hàng ở mức 298 tỷ đồng. Số tiền này được vay từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Gia Lai để tài trợ dự án thủy điện Iagrai 2 và Ayun Trung.
Năm 2023, QCG đặt mục tiêu doanh thu thuần 2023 đạt 900 tỷ đồng, giảm 29% so với năm trước. Tuy nhiên, mục tiêu lãi trước thuế lại là 50 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.