TS. Cấn Văn Lực: NHNN hút tiền chủ yếu do tỷ giá tăng nóng, không tác động nhiều tới TTCK
Chiều 11/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam bất ngờ mở lại kênh đấu thầu tín phiếu với việc hút gần 15.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống. Lô tín phiếu này có kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,4%/năm. Đây là lần đầu tiên NHNN thực hiện động thái hút tiền qua tín phiếu trong năm 2024.
Mặc dù vậy, đó cũng không phải là hành động quá bất ngờ khi việc này đã được NHNN thực hiện liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 9/2023 - 11/2023 nhằm giảm áp lực lên tỷ giá trong nước.
Đánh giá về động thái của NHNN, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng động thái hút ròng của chủ yếu do thanh khoản của hệ thống khá dồi dào.
Trong giai đoạn đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng rất chậm và thậm chí còn âm đồng thời huy động vốn cũng tăng trưởng chậm nhưng cao hơn tín dụng. Dẫn số liệu từ NHNN, chuyên gia cho biết tín dụng đến hết tháng 2 giảm khoảng 1% còn huy động vốn ước tính giảm khoảng 0,7%.
Điều này dẫn đến thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. Trong phiên 11/3, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm về ở mức 1,17%/năm, giảm mạnh so với mức đỉnh đạt được trong ngày 21/2 (4.14%) tiến gần về mặt bằng thấp được duy trì trong thời gian dài trong giai đoạn dư thừa thanh khoản trước đó (khoảng 0,14- 0,15%/năm).
Thanh khoản khá dồi dào nên NHNN cần một phần cần hút thanh khoản về. Tuy nhiên, đây chưa phải nguyên nhân quan trọng nhất.
Động thái hút tiền về qua kênh đấu thầu tín phiếu nhằm mục tiêu quan trọng là qua đó đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn, sát hơn so với lãi suất USD nhằm giảm áp lực tỷ giá. Theo cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa giảm lãi suất ít nhất là cho đến hết nửa đầu năm nay.
Việc Fed duy trì ở lãi suất cao mà lãi suất của Việt Nam quá thấp sẽ gây áp lực tỷ giá. Bằng chứng là tỷ giá trong thời gian vừa qua đã có những biến động, từ đầu năm đến giờ tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,5%.
Điều này xuất phát từ ba nguyên nhân.
Thứ nhất, đồng USD tăng giá do Fed chưa giảm lãi suất. Đồng thời, năm vừa rồi kinh tế Mỹ số liệu công bố phục hồi khá tốt nên USD tăng giá khiến cho các đồng tiền khác mất giá tương ứng. Đây là lý do quan trọng nhất.
Thứ hai là yếu tố thời vụ, chu kỳ khi đầu năm là giai đoạn các doanh nghiệp nước ngoài thường chuyển lợi nhuận về nước gây áp lực lên tỷ giá. Và thứ ba là hoạt động xuất nhập khẩu, nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại.
Nhập khẩu hai tháng đầu năm nay tăng khoảng 17 – 18% so với cùng kỳ đương nhiên cũng sẽ kéo theo nhu cầu về ngoại tệ. Dù quan hệ cung cầu vẫn tương đối tốt nhưng nhu cầu tăng lên khiến cho tỷ giá bị tác động.
Một lý do nữa là giá vàng tăng cao có thể phát sinh hoạt động nhập khẩu vàng nhẫn qua kênh không chính thống khiến tỷ giá căng thẳng cục bộ.
Vì vậy, động thái hút ròng của NHNN chủ yếu nhằm xoa dịu tỷ giá. Năm ngoái, NHNN đã từng sử dụng công cụ này vào tháng 9 và bây giờ bắt đầu sử dụng lại. Tuỳ vào thanh khoản ở các ngân hàng vì có tăng trưởng tín dụng thấp mà NHNN sẽ quyết định khối lượng hút ròng.
"Tuy nhiên, theo tôi đánh giá việc này sẽ không sử dụng quá thường xuyên NHNN sẽ không can thiệp quá mạnh bởi chi phí của nó chính là lãi suất", chuyên gia nói và cho biết sẽ khó xảy ra kịch bản NHNN hút ròng liên tục nhiều như kỳ tháng 9 năm ngoái.
Với thị trường chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực cũng khẳng định rằng việc NHNN hút ròng không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán bởi đây chỉ là một nghiệp vụ bình thường trong điều hành và nhằm bình ổn tỷ giá chứ không tác động nhiều đến dòng tiền.
Có chăng chỉ dịch chuyển từ kênh nhà đầu tư sang kênh tiết kiệm nếu lãi suất huy động nhích lên, TS. Lực nhìn nhận.
Vào tháng 9/2023, trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng, NHNN đã có động thái hút ròng 9.995 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu sau 15 tuần "im ắng". Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt phần nào áp lực lên tỷ giá đang tăng mạnh thời điểm đó.
Thống kê từ ngày 21/9 – 8/11, NHNN đã phát hành tổng cộng 360.345 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày. NHNN dừng phát hành tín phiếu từ phiên 9/11/2023 khi tỷ giá bắt đầu hạ nhiệt.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích ở thời điểm đó, động thái bán tín phiếu của NHNN là hoạt động thông thường của các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc đảo chiều chính sách tiền tệ. Mục đích chính của NHNN là hút bớt thanh khoản trên thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá ngắn hạn.