TS Đinh Thế Hiển: Tháng 5, tháng 6 sẽ có dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán
Tại tọa đàm “Đọc vị kết quả kinh doanh Q1/2024 và triển vọng kinh tế Việt Nam” diễn ra chiều 25/4, TS. Đinh Thế Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng) nhận định rằng triển vọng phục hồi và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm nay là tích cực. Trong bối cảnh đó, dòng tiền sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng có thể vẫn gặp khó trong quý I và quý II nhưng sẽ tốt lên kể từ quý III năm nay. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn.
Từ quý III/2024, “không phải lo về dòng tiền sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng”
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020 cho đến nay. Nhiều tổ chức kinh tế quốc tế như ADB, Standard Chartered, UOB… đều dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay khoảng 6%, một con số mà TS. Đinh Thế Hiển cho rằng khá lạc quan.
Đầu tư công được nhận định sẽ là một trong những trợ lực lớn thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh thu ngân sách khá tốt dự báo tạo điều kiện cung tiền đầu tư công mạnh mẽ hơn trong quý III- quý IV năm nay. Cùng đó là tín hiệu tích cực từ thu hút đầu tư nước ngoài với FDI quý I/2024 cao nhất trong cùng kỳ 5 năm. Sự phục hồi của xuất khẩu giúp cán cân thương mại quý I xuất siêu 8 tỷ USD cũng là một chỉ báo sáng khác của nền kinh tế.
Với những dữ liệu vĩ mô tích cực như vậy, TS. Đinh Thế Hiển nhận định dòng tiền vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng năm nay sẽ không bị trì trệ như 2023.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng thời điểm từ giữa năm 2023 và đầu 2024, dòng tiền tiêu dùng đã bị ảnh hưởng rất mạnh bởi chính dòng tiền đầu tư bị kẹt. “Khó khăn tài chính và dòng tiền 2023-2024 đã được nhận định từ 2022, nguyên nhân do điểm nghẽn trên thị trường bất động sản khiến nợ xấu ngân hàng tăng và tiêu dùng nội địa suy giảm”, TS Đinh Thế Hiển.
Tuy nhiên đến nay, tăng trưởng tín dụng - sau khi xuống mức âm trong 2 tháng đầu năm - đã phục hồi về mức dương vào tháng 3, giúp tổng tăng trưởng tín dụng cả quý I/2024 dương. Ông Hiển dự kiến sẽ tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện tốt lên trong tháng 4 tới.
“Điều này thể hiện rằng trong bối cảnh sản xuất kinh doanh khởi sắc kéo theo tiêu dùng phục hồi, ngân hàng đã có hướng đưa tiền ra cho doanh nghiệp, trước mắt là trực tiếp đưa vào các doanh nghiệp xuất khẩu, tiếp đó là đưa vào khu vực tiêu dùng của người dân khi họ tăng việc làm và tăng thu nhập. Dòng tiền sản xuất kinh doanh và tiêu dùng này sự kiến sẽ tiếp tục mạnh lên, và tôi dự đoán nó sẽ mạnh lên rõ rệt vào quý III”.
Dòng tiền vào thị trường BĐS và chứng khoán có sự phân hóa
Bên cạnh dự báo thuận lợi cho dòng tiền sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng dòng tiền đầu tư sẽ còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tiền vào thị trường BĐS do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Một trong những nguyên nhân đáng kể nhất là áp lực nợ trái phiếu với doanh nghiệp BĐS năm 2024 là khá lớn. Thống kê của Fiin cho thấy dòng tiền gốc và lãi phải trả từ trái phiếu năm nay của các doanh nghiệp lên tới hơn 382 nghìn tỷ. TS Đinh Thế Hiển đánh giá áp lực này dù không gây ảnh hưởng tới hệ thống tài chính ngân hàng nói chung cũng như dòng tiền sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, nhưng sẽ cản trở đáng kể dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Nguyên nhân thứ hai đến từ chính nội tại các doanh nghiệp bất động sản. Quan sát các chỉ số trong báo cáo tài chính năm 2023 cũng như thông tin từ Đại hội đồng cổ đông và báo cáo tài chính quý I/2024 của các doanh nghiệp BĐS, TS. Hiển chỉ ra rằng các chỉ số như doanh thu/ hàng tồn kho, khả năng thanh toán đang giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Điều này nói lên rằng doanh nghiệp BĐS đang thực sự gặp khó khăn về vốn, và khó khăn đó sẽ gây cản trở rất nhiều đến dòng tiền đầu tư.
Nguyên nhân thứ ba mà ông Hiển cho rằng có thể khiến dòng tiền đầu tư chưa khởi sắc ngay là áp lực xử lý nợ xấu từ phía các ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm gần đây.
“Nợ xấu không tự nhiên tăng mà nó là sự tích lũy trong nhiều năm từ 2020-2023 khi mà các ngân hàng tiếp tục đổ vốn vào lĩnh vực BĐS dưới nhiều hình thức. Vậy nên đến khi thị trường BĐS khó khăn thì nợ xấu tăng là điều tất nhiên. Điều này đã xảy ra trong giai đoạn 2010-2012 và giờ đây tiếp tục lặp lại”, ông Hiển nhận định.
2024 được dự báo sẽ là năm các ngân hàng tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu, qua đó vô hình chung hạn chế tín dụng với các công ty kinh doanh không tốt. Do đó, TS. Hiển cho rằng đây cũng là một nguyên nhân khiến ông không kỳ vọng dòng tiền đầu tư sẽ được bơm mạnh ra thị trường.
Một vấn đề khác cũng được TS. Hiển đề cập là việc giá vàng và tỷ giá USD tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm có thể đưa đến những hạn chế cho việc điều hành cung tiền của Chính phủ và NHNN từ góc độ hiệu ứng tâm lý, qua đó có khả năng gây khó khăn cho dòng tiền đầu tư và kinh doanh.
Tuy nhiên, nói riêng về dòng tiền vào thị trường chứng khoán, ông Hiển lại cho rằng sẽ có tín hiệu tích cực.
“Trong cuối quý II, khoảng tháng 5, tháng 6 sẽ có dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán”, TS Đinh Thế Hiển nhận định, và gọi đây là sự “đi trước một bước” của nhà đầu tư trước những triển vọng vĩ mô lạc quan hơn về cuối năm.
Cùng kỳ vọng tích cực về triển vọng dòng tiền vào thị trường chứng khoán trong năm nay, bà Đỗ Minh Trang - Giám đốc Trung tâm Phân tích Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định rằng: "Có thể có rủi ro tăng lãi suất trong thời gian tới, nhưng chúng tôi cho rằng mức tăng là không đáng kể và sẽ không phương hại đến nhu cầu vay nợ để thực hiện giao dịch kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp và người dân. Mức tăng đó theo chúng tôi cũng chưa đủ lớn để hấp dẫn dòng tiền tiết kiệm đổ lại vào ngân hàng, vì thế kênh thị trường chứng khoán vẫn sẽ được hưởng lợi từ dòng tiền của NĐT cá nhân.
Ngoài ra, TTCK Việt Nam cũng đang đứng trước triển vọng nâng hạng, do đó kỳ vọng thanh khoản từ các tổ chức nước ngoài, quỹ đầu tư là tiềm năng. Do đó, dù dự báo thanh khoản quý II vẫn tương đối trầm lắng, chúng tôi vẫn cho rằng triển vọng thanh khoản cả năm 2024 là rất khả quan và có thể tiệm cận mức thanh khoản năm 2022. Đặc biệt nếu Việt Nam thực hiện thành công những bước đi để nâng hạng thị trường vào 2025, triển vọng thanh khoản thị trường sẽ rất mạnh mẽ".