Từ 2021, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do
Người lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do
Theo Điều 37 BLLĐ 2012, khi muốn chấm dứt HĐLĐ, người lao động cần đáp ứng được đủ 2 điều kiện:
Thuộc 1 trong những trường hợp được nêu tại Khoản 1 Điều 37 (không được bố trí đúng công việc như trong hợp đồng, không được trả lương đầy đủ, bị ngược đãi, cưỡng bức, bị ốm đau, người lao động nữ mang thai,...)
Phải thông báo trước cho người sử dụng lao động về việc chấm dứt HĐLĐ theo thời hạn (được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 37)
Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 đã điều chỉnh vấn đề này, tăng quyền lợi của người lao động. Cụ thể, theo Điều 35 BLLĐ 2019, người lao động có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do, chỉ cần đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước tại Khoản 1 Điều 35. Thời gian báo trước cụ thể tùy thuộc vào thời hạn của HĐLĐ.
Bộ luật mới có nhiều thay đổi để đảm bảo quyền lợi của người lao động
Đặc biệt, người lao động có thể chấm dứt HĐLĐ không báo trước nếu thuộc một trong các trường hợp được ghi trong Khoản 2 Điều 35. Các trường hợp này tương tự như điều kiện để chấm dứt HĐLĐ trong Luật cũ mà phải báo trước và còn được sửa đổi, bổ sung thêm.
Cụ thể, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước trong các trường hợp:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ một số trường hợp quy định tại Điều 29
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp bất khả kháng quy định tại Khoản 4 Điều 97
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ.
Người lao động được tự ý chấm dứt HĐLĐ trong một số trường hợp
Bổ sung trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt HĐLĐ
So với Luật cũ, tại Khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm 2 trường hợp người sử dụng lao động được phép đơn phương chấm dứt HĐLĐ:
- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên
- Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của BLLĐ khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.
Đa phần các trường hợp đều yêu cầu người sử dụng lao động báo trước với người lao động khi muốn chấm dứt hợp đồng.
Kim Chi
Xem thêm: Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ tăng dần lên 62 tuổi, của nữ là 60 tuổi