Từ Apple đến Starbucks, nhiều đại công ty cảnh báo tác động từ chính sách zero-COVID tại Trung Quốc

Lê Thị Xuân Phương 16:42 | 05/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hoạt động kinh doanh của Starbucks, Apple và hàng loạt công ty niêm yết lớn khác bị ảnh hưởng bởi chính sách Zero COVID tại Trung Quốc.

Hoạt động kinh doanh của Starbucks, Apple và hàng loạt tập đoàn đa quốc gia khác đã và đang chịu tác động bởi chính sách Zero-COVID tại Trung Quốc.

Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã phải đối mặt với một làn sóng bùng phát mạnh mẽ của biến thể Omicron. Chính quyền nhiều địa phương sau đó nhanh chóng áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh.

Hiện tại, đợt đóng cửa gần đây ở Thượng Hải đã kéo dài hơn một tháng và mới chỉ có một số hoạt động sản xuất kinh doanh được nới lỏng. Trong khi đó, tại thủ đô Bắc Kinh, chính quyền địa phương cũng tạm thời đóng cửa một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để kiểm soát sự gia tăng đột biến số ca nhiễm trong các đợt bùng phát COVID-19 mới nhất.

Các tập đoàn đa quốc gia như Starbucks, Apple... vốn đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ lạm phát cao ở Mỹ, giá nguyên liệu tăng vọt trên toàn cầu đến những rủi ro do bất ổn địa chính trị, giờ đây lại gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc khi nước này triển khai chính sách Zero COVID. Các phong tỏa nghiêm ngặt ngày càng làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng, ngưng trệ quá trình sản xuất và lưu thông sản phẩm, gây thiệt hại nặng về doanh thu.

Starbucks: Không thể dự báo kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm

Starbucks gần đây cho biết doanh số bán hàng quý I tại các cửa hàng ở Trung Quốc đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 0,2% mà các nhà phân tích mong đợi.

Giám đốc điều hành Starbucks Howard Schultz cho biết: "Điều kiện tại thị trường Trung Quốc hiện đang tệ đến mức chúng tôi hầu như không thể dự đoán kết quả hoạt động kinh doanh của mình trong nửa cuối năm".

Về dài hạn, ông lớn ngành cà phê vẫn kỳ vọng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc sẽ mạnh hơn thị trường Mỹ.

Apple: Doanh thu trong quý dự kiến chịu tác động

Với đại công ty công nghệ Mỹ Apple, mặc dù gần như tất cả nhà máy lắp ráp ở Thượng Hải đều đã khởi động lại sản xuất gần đây, nhà Táo Khuyết cho biết việc ngừng hoạt động trong thời gian trước có thể ảnh hưởng nhất định đến doanh thu trong quý.

Cùng với đó, sự thiếu hụt chip đang diễn ra trên toàn cầu càng làm trầm trọng thêm thách thức nhà sản xuất điện thoại di động phải đối mặt. Apple cũng cho rằng sự gián đoạn do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng ở Trung Quốc.

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết: “Vì diễn biến dịch COVID-19 khó lường, chúng tôi thật không dễ dàng dự đoán tình hình kinh doanh".

DuPont: tỷ suất lợi nhuận liên tục thu hẹp trong quý II/2022

DuPont, công ty cung cấp các sản phẩm như chất kết dính và vật liệu xây dựng, đã công bố kế hoạch quý II/2022 thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.

Ông Lori Koch, Giám đốc tài chính của DuPont, cho biết: “Chúng tôi dự đoán những bất ổn, cụ thể là việc đóng cửa nhiều cơ sở do sự bùng phát dịch COVID-19 ở Trung Quốc, sẽ siết chặt hơn chuỗi cung ứng, dẫn đến tăng trưởng doanh thu chậm và tỷ suất lợi nhuận liên tục thu hẹp trong quý II/2022."

Hai cơ sở của DuPont ở Trung Quốc đã đóng cửa hoàn toàn vào tháng 3 và dự kiến hoạt động lại vào giữa tháng 5, điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận trong quý II.

Công ty dự kiến ​​doanh thu đạt từ 3,2 tỷ đến 3,3 tỷ USD trong quý II, thấp hơn không nhiều so với dự báo 3,33 tỷ USD của FactSet.

Estee Lauder cắt giảm triển vọng doanh thu năm 2022

Công ty mỹ phẩm Estee Lauder đã cắt giảm triển vọng cả năm do các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 khắt khe ở Trung Quốc - một trong những thị trường quan trọng hàng đầu - cũng như tác động của lạm phát.

Công ty cho biết trong một thông cáo: “Sự gia tăng trở lại số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc, các biện pháp mạnh mẽ của chính quyền nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan khiến lưu lượng bán lẻ và khả năng phân phối của công ty ở Thượng Hải bị hạn chế. Công ty đã nỗ lực để đáp ứng các đơn hàng mua trực tiếp và giao online từ giữa tháng 3/2022."

Báo cáo mới của công ty dự kiến tăng trưởng doanh thu từ 7% đến 9% vào thời điểm kết thúc quý II, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của FactSet là 14,5%. Estee Lauder cũng dự báo lợi nhuận từ 7,05 USD đến 7,15 USD trên mỗi cổ phiếu, thấp hơn mức 7,57 USD/cổ phiếu được giới đầu tư kỳ vọng.

Yum China dự kiến lỗ trong quý II nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện

Yum China là công ty điều hành các thương hiệu thức ăn nhanh KFC và Pizza Hut tại Trung Quốc, đồng thời là cổ đông lớn trong liên doanh với công ty cà phê Lavazza của Ý. Vào năm ngoái, công ty bắt đầu mở thêm chuỗi cửa hàng cà phê tại Trung Quốc. Giám đốc tài chính Yum China Andy Yeung cảnh báo rằng: “Nếu tình hình dịch COVID-19 không được cải thiện trong tháng 5 và tháng 6, chúng tôi dự kiến ​​sẽ lỗ trong quý thứ II”.

Yum China cho biết doanh số bán hàng bình quân tháng 3 vừa qua tại mỗi cửa hàng trên thị trường Trung Quốc nội địa đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và có khả năng sẽ duy trì tốc độ giảm tương tự trong tháng 4. Công ty cho biết họ vẫn kỳ vọng đạt được mục tiêu mở mới 1.000 đến 1.200 cửa hàng trong năm nay.

 

Nhiều công ty cắt giảm triển vọng doanh thu và lợi nhuận

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết trong quý I/2022, gần một nửa số cổ phiếu trên sàn MSCI Trung Quốc đã không thể hoàn thành mức lợi nhuận kỳ vọng. Đây được xem là kết quả hàng quý là tồi tệ nhất kể từ quý I/2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát và gây sốc cho nền kinh tế.

Một số công ty đa quốc gia lớn có hoạt động mạnh mẽ tại Trung Quốc như Disney và Toyota Motors dự kiến sẽ tiếp tục công bố kết quả kinh doanh quý I và dự báo về tình hình kinh doanh trong năm vào những ngày sắp tới. Tuy nhiên, tình hình có vẻ như không mấy khả quan. Khu vui chơi Disney Thượng Hải đã đóng cửa kể từ ngày 21/3 mà chưa hẹn ngày mở cửa trở lại, trong khi doanh số bán ô tô của Toyota tại Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể trong tháng 3.