Từ câu chuyện xuất khẩu nước tương Con Mèo Đen, nhìn về ngành gia vị Việt và mục tiêu 2 tỷ USD

Trang Mai 06:00 | 15/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sở hữu trên 1.000 loại gia vị khác nhau, trong đó có những loại rất đặc trưng mà ít có ở quốc gia khác là lợi thế lớn của ngành gia vị Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp và người dân tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, thương hiệu, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu,... thì có thể tạo nên một nền kinh tế gia vị, đem về dòng tiền cho đất nước.

Việt Nam là nước xuất khẩu gia vị hàng đầu thế giới

Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương (Công ty Nam Dương) vừa hoàn tất ký kết hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Quốc tế LNS để trở thành đơn vị đầu tiên đưa gia vị thương hiệu Việt xuất khẩu bằng đường chính ngạch vào thị trường Mỹ (theo thông tin từ doanh nghiệp). 

Đây cũng là một trong những đơn vị mở đường cho xuất khẩu chính ngạch của gia vị Việt Nam. 

Nước ta có điều kiện thuận lợi để sản xuất và xuất khẩu gia vị có chất lượng và hương vị đặc trưng, khác biệt với các sản phẩm cùng loại trên thế giới. Hiện có khoảng 50 loại gia vị được trồng và chế biến, trong đó có nhiều loại gia vị nổi tiếng trên thế giới như hồ tiêu, quế, hồi, ớt, gừng, nghệ, đinh hương, vani,...

Thông tin tại Hội nghị Quốc tế ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam (VIPO 2024) sáng 8/3, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết: Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua. Xuất khẩu quế Việt Nam cũng đứng đầu thế giới kể từ năm 2022 và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Tính đến nay, hồ tiêu và gia vị của Việt Nam đã xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị toàn cầu và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.

Đẩy mạnh xuất khẩu hồ tiêu và gia vị góp phần cải thiện sinh kế nông hộ, định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới và tăng trưởng GDP quốc gia.

Tuy nhiên, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2023 tăng 16,6% về khối lượng, nhưng giảm 6% về giá trị.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị (VPSA), Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, đạt 46.000 tấn, sau Indonesia và Trung Quốc. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 89.383 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 260,9 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và nhưng giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022.

Với cây hồi, Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu, sau Trung Quốc, với sản lượng hàng năm ước khoảng 20.000 tấn trên diện tích trồng khoảng 55.000 ha. 

Trao đổi với phóng viên DNVN, bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty Quế Hồi Việt Nam Vinasamex cho hay, thế giới đánh giá rất cao giá trị dinh dưỡng có trong các cây gia vị nước ta, đặc biệt là quế, hồi. 

Bà Huyền dẫn chứng, dù nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng trong giai đoạn 2019-2020, doanh thu công ty đều có tăng trưởng, thậm chí là năm sau tăng gấp đôi năm trước. 

Sang 2022, là sau thời kỳ đại dịch nhưng Vinasamex cũng rất may mắn là tình hình kinh doanh không hề sụt giảm. Đến nay doanh nghiệp vẫn tiếp tục phát triển và có nhiều đơn hàng mới. Những thành công này một phần do xây dựng mô hình phát triển bền vững và đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là những thị trường cao cấp. Cùng với đó là đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu khác nhau của thị trường, ví dụ như làm dược phẩm, thực phẩm chức năng, đồ uống để tăng hệ miễn dịch, sản phẩm hóa mỹ phẩm, chăm sóc da, trang trí,...", nữ Giám đốc nói. 

Những rào cản trong xuất khẩu chính ngạch gia vị

Dù được sử dụng khá phổ biến qua đường B2B hay xách tay, thế nhưng con đường đi chính ngạch của gia vị vẫn còn khá gian nan, khi các sản phẩm nông nghiệp nói chung và gia vị nói riêng muốn xuất khẩu đều phải chấp hành quy định ngặt nghèo nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm. (Nhiều quốc gia dùng các quy định này làm rào cản thương mại để bảo hộ nền nông nghiệp trong nước).

Điển hình như tại Mỹ, tất cả các loại nông sản nhập khẩu vào quốc gia này đều phải đạt tiêu chuẩn của Ban Thị Trường thuộc Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA). 

Trước khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp, đơn vị xuất khẩu cần đăng ký kiểm tra chất lượng với Cục quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA). Nếu không có những chứng từ này thì hàng hóa sẽ bị trả lại bởi Hải Quan Mỹ và chắc chắn sẽ không thể xuất khẩu lại lô hàng đó vào Mỹ.

Tiêu chuẩn FDA đối với các thực phẩm và đồ uống

  • Tuân thủ đúng các quy định của FDA

  • Tuân thủ tiêu chuẩn HACCP của Hải Sản và Nước Hoa Quả

  • Thực phẩm đóng hộp cần có hàm lượng axit thấp trong giới hạn tiêu chuẩn.

  • Sản phẩm phải có nhãn mác đầy đủ.

  • Trên nhãn phải có đủ thông tin về thành phần và công dụng.

  • Thành phần sản phẩm cần được đánh giá và gửi thông báo đến FDA

  • Tìm hiểu các yêu cầu cGMP

  • Chứng nhận màu sắc theo các yêu cầu cần thiết của FDA.

  • Xác định sai số trong mức cho phép của EPA và FDA nếu sản phẩm là thuốc trừ sâu.

Thẳng thắn thừa nhận nền nông nghiệp nước ta Việt Nam chưa phát triển hết tiềm năng, lãnh đạo Cục BVTV bày tỏ: “Sự phát triển nhỏ lẻ, manh mún đã hạn chế khả năng tiếp cận và áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, chi phí đầu tư khá lớn khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc, trong khi đa số các doanh nghiệp Việt Nam thuộc diện vừa và nhỏ”.

Phát biểu tại một hội thảo cuối năm 2023, ông Trần Thanh Tùng – Giám đốc Trung Tâm kiểm định thuốc BVTV phía Nam cho biết: “Sản phẩm hồ tiêu hay cây gia vị của chúng ta khi xuất khẩu gặp khó khăn ở chỗ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm còn cao, khó chinh phục được những thị trường khó tính khi chúng ta còn kém về mặt này, cần phải có những biện pháp canh tác đúng kỹ thuật, sử dụng phân bón vi sinh… để đảm bảo được dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm đạt mức cho phép”.

Bên cạnh đó là khó khăn về liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường. Trong đó, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng chưa phát triển; chưa có các nghiên cứu đánh giá tiềm năng khác từ các cây gia vị để thúc đẩy giải pháp gia tăng giá trị, ví dụ như về thị trường carbon, giá trị các sản phẩm phụ…

Triển vọng lớn của ngành gia vị

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn sản xuất các loại gia vị như quế, hồi, các loại rau gia vị đặc trưng cho ẩm thực châu Á. Bên cạnh các thị trường trọng điểm, thị trường có nhiều cộng đồng cư dân châu Á sinh sống cũng là hướng đi mới với khách hàng tiềm năng trong tiêu dùng các sản phẩm đặc sản nhiệt đới và sản phẩm gia vị.

Nói về triển vọng ngành quế hồi nói riêng và gia vị nói chung trong tương lai, bà Nguyễn Thị Huyền cho biết, do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, quế của Việt Nam có hương vị khác biệt, tốt hơn so với các nước trong khu vực, do đó, tiềm năng cũng lớn hơn rất nhiều. "Tuy nhiên, trong quế của Việt Nam có thành phần coumarin, một chất gây loãng máu tự nhiên. Đây là lợi thế, và cũng là bất lợi cho sản phẩm quế của Việt Nam. Do vậy, chúng ta phải tìm nhóm đối tượng khách hàng khác nhau để cung cấp sản phẩm phù hợp, đồng thời đa dạng hóa để có những cơ hội cạnh tranh và vượt lên so với nước khác”, nữ CEO phân tích.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, ông Việt Anh cho rằng, phải cải thiện chất lượng và giảm chi phí sản xuất để tạo ra sản phẩm giá trị đạt chất lượng cao và có tính cạnh tranh hơn. Duy trì ổn định diện tích các loại cây gia vị theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt, cần có quy hoạch tổng thể các vùng trồng, sản xuất để các nhà đầu tư yên tâm và có chiến lược đầu tư dài hạn….

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, ngành hồ tiêu và gia vị cần tập trung xây dựng vùng sản xuất, mở rộng mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu...

"Đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gia vị bền vững, đa gia vị chứ không chỉ dừng ở cây tiêu và quế, qua đó định vị quốc gia cây gia vị trên thị trường thế giới, xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD trong 3 năm tới là mục tiêu của toàn ngành", bà Liên khẳng định.