Tương lai nào cho đế chế Ant Group khi Jack Ma đang tụt dốc?
Jack Ma nằm trong "tầm ngắm" của chính quyền Trung Quốc khiến đế chế công nghệ Ant Group phải xoay xở để lấy lại sự ủng hộ trong nước.
Tương lai của Ant Group - tập đoàn công nghệ tài chính (fintech) của tỷ phú Jack Ma - đến nay vẫn bấp bênh. Theo giới chuyên gia, hàng loạt đòn giáng của chính quyền Trung Quốc có thể khiến định giá công ty bay hơi hàng trăm tỷ USD.
Hồi tháng 11, các nhà quản lý Trung Quốc yêu cầu Ant Group hoãn đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trị giá 35 tỷ USD. Đến ngày 27/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) buộc công ty phải "điều chỉnh" những mảng kinh doanh thuộc lĩnh vực fintech, từ quản lý tài sản, bảo hiểm cho đến cho vay tiêu dùng. Ant sẽ phải tập trung vào mảng thanh toán trực tuyến cốt lõi.
Ant Group lao đao sau hàng loạt đòn giáng của các cơ quan quản lý Trung Quốc trong 2 tháng cuối năm 2020
Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ Ant Group cũng phải gói các dịch vụ tài chính (bao gồm dịch vụ quản lý tài sản, cho vay tiêu dùng, bảo hiểm, thanh toán và MYbank) trong một công ty holding và thực thể này sẽ bị quản lý như một ngân hàng truyền thống.
"Điều này sẽ rất khó khăn. Cuối cùng Ant sẽ trở thành như thế nào?", nhà báo Anjani Trivedi của Bloomberg đặt câu hỏi.
Thị trường 464 tỷ USD
Các công ty có hoạt động tương tự ngân hàng thường không được định giá "kiểu startup công nghệ". Nhưng thị trường tài chính tiêu dùng đang bùng nổ ở Trung Quốc là ngoại lệ. Ngành công nghiệp này được dự báo đạt 3.000 tỷ NDT (464 tỷ USD) trong vòng bốn năm tới. Đó là nơi mà Ant muốn tấn công.
Quan trọng hơn, các nhà hoạch định Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy nhu cầu và nguồn cung trong nước theo chiến lược lưu thông kép (phụ thuộc vào lưu thông nội địa nhằm phát triển kinh tế). Để làm được điều này, nguồn tiền phải được chảy đến các hộ gia đình một cách hiệu quả.
Bắc Kinh cũng hiểu điều đó. Trong thập kỷ qua, thu nhập của người Trung Quốc ngày càng gia tăng, thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, xu hướng này đang giảm tốc do ảnh hưởng của đại dịch.
Năm 2019, số lượng khách hàng tài chính tiêu dùng đã tăng hơn 50% so với một năm trước đó lên 130 triệu người. Các dữ liệu chỉ ra mối tương quan ngày càng chặt chẽ giữa tăng trưởng cho vay tiêu dùng và doanh thu bán lẻ trong nước. "Vai trò của Ant có thể ngày một lớn hơn", nhà báo Trivedi viết.
Trong năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã thúc đẩy sự phát triển của các công ty tài chính tiêu dùng, cũng như mảng kinh doanh này của những nhà băng truyền thống.
Tập đoàn Bảo hiểm Ping An - một trong những tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc - được cho phép lập một công ty tài chính tiêu dùng mới. Cùng với đó là Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, một trong các nhà băng lớn nhất về tài sản.
Cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc cũng nới lỏng hạn chế đối với những tổ chức này, đồng thời mở rộng các kênh cấp vốn bằng cách cho phép họ huy động những loại vốn khác nhau.
Ant của ông Ma đã bắt kịp xu hướng. Hồi tháng 8 năm ngoái, công ty nắm giữ 50% cổ phần trong công ty tài chính tiêu dùng mới thành lập với Ngân hàng Thương mại Nanyang, nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology và một số công ty khác. Cơ quan quản lý phê duyệt ngay vào tháng sau.
Tương lai của Ant sẽ ra sao?
Để nhận lại sự ủng hộ từ chính quyền Trung Quốc, Ant có thể đảm bảo với các nhà chức trách rằng công ty sẽ không cản trở chủ trương của Bắc Kinh. Chẳng hạn, hệ thống đánh giá tín dụng Zhima của tập đoàn có khả năng làm giảm lo ngại về rủi ro nợ xấu đối với các nhà băng. Rộng hơn, nó cũng giúp ích cho mục tiêu bảo vệ tiền hộ gia đình của chính quyền Trung Quốc.
Theo nhà báo Trivedi của Bloomberg, không khó để Ant trở lại thành một công ty dịch vụ tài chính, từ bỏ các mảng kinh doanh mập mờ của một gã khổng lồ công nghệ tài chính. Nhưng phần khó là cam kết về vốn.
Tuy nhiên, với tư cách một công ty tài chính tiêu dùng, Ant có thể huy động vốn thông qua tiền gửi từ những cổ đông trong nước. Công ty cũng sẽ được phép mượn tiền từ các nhà băng hoặc phát hành trái phiếu tài chính. Không ít công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép của Trung Quốc được ngân hàng thương mại chống lưng.
Những cách này không có khả năng đưa Ant trở lại mức định giá siêu kỳ lân trước đó. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh sẽ trở nên bền vững hơn nhờ giảm phụ thuộc vào chi phí mua lại thấp. Các mảng kinh doanh bổ sung khác cũng có thể thực sự tồn tại bên cảnh hoạt động thanh toán cốt lõi của Ant.
"Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra với Tập đoàn LendingClub, một trong những nền tảng cho vay tiêu dùng fintech lớn nhất của Mỹ", bà Trivedi viết. Công ty khởi đầu là một nền tảng dành cho người đi vay và người cho vay với hy vọng sẽ cải thiện hệ thống ngân hàng. Sáu năm sau, LendingClub mua lại một ngân hàng.
Điều đó mang đến cả nguồn vốn rẻ cho LendingClub và giúp các cơ quan dễ quản lý hơn. Kể từ đó, giá cổ phiếu tăng vọt.
"Từ các lực lượng thị trường Mỹ đến những cơ quan quản lý tại Trung Quốc, dường như vị trí của những công ty fintech lớn trong hệ thống tài chính nên trùng với thứ mà họ phục vụ", cây bút Trivedi của Bloomberg viết.
Theo Zing.vn