Tỷ giá tăng nóng tác động ra sao đến thị trường vàng và chứng khoán?

Diên Vỹ 15:20 | 10/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các chuyên gia TPS đánh giá tỷ giá là biến số vĩ mô nhạy cảm, có tác động gián tiếp nhưng mạnh mẽ tới thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn ngoại đóng vai trò lớn trong thanh khoản và định giá thị trường. Cùng đó, TPS cũng nhận thấy mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa giá vàng trong nước, giá vàng thế giới và tỷ giá USD/VND.

 

Sáng sớm 10/4, tỷ giá trung tâm VND với đồng USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.936 VND/USD, tăng 38 VND.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN điều chỉnh tăng, ở mức 23.740 VND/USD - 26.132 VND/USD cho hai chiều mua vào - bán ra.

Tại các ngân hàng thương mại sáng nay, tỷ giá USD cũng được điều chỉnh tăng so với phiên giao dịch trước. Cụ thể Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.792 - 26.182 VND/USD, tăng 42 VND ở cả 2 chiều mua – bán so với phiên giao dịch trước. Tỷ giá tại Vietinbank là 25.820 - 26.182 VND/ USD và tại BIDV là 25.822 26.182 VND/ USD ở chiều mua vào - bán ra.

So với giá USD bán ra vào đầu tháng 4 khoảng 25.820 đồng/USD, hiện giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng thêm khoảng 360 đồng/USD. Nếu so với thời điểm đầu tháng 1, khi giá USD bán ra tại các ngân hàng vào khoảng 25.559 đồng/USD, tỷ giá hiện đã tăng khoảng 623 đồng.

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong bối cảnh các yếu tố bất định và chưa có kết quả cuối cùng về các quyết định áp thuế quan, tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn trong ngắn hạn. Những lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt là xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại và thậm chí chịu thiệt hại. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng nhận định tỷ giá có xu hướng tiếp tục tăng, “ngưỡng 26.000 nhiều khả năng sẽ được thiết lập trong năm 2025”.

Tỷ giá tăng nóng gián tiếp thúc đẩy khối ngoại bán ròng

Các chuyên gia TPS trong nhận định mới đây lưu ý tới mối quan hệ ngược chiều giữa biến động tỷ giá và xu hướng thị trường chứng khoán dựa trên quan sát diễn biến tỷ giá USD/VND và tương quan với chỉ số VN-Index trong giai đoạn 2015–2025.

Cụ thể, trong 8 giai đoạn tỷ giá tăng mạnh mà TPS quan sát, có đến 5/8 lần thị trường chứng khoán sụt giảm. Đặc biệt, có 4 lần trong số này đã dẫn đến những chu kỳ giảm điểm lớn và kéo dài của thị trường, bao gồm các năm 2015, 2018, 2019 và 2022. 

Những thời điểm này không chỉ ghi nhận sự mất giá của VND, mà còn đi kèm với xu hướng rút vốn ngoại, áp lực lạm phát nhập khẩu và tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư. Đồng thời rủi ro toàn cầu gia tăng, khiến nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển tài sản sang các kênh trú ẩn như USD và vàng, thay vì cổ phiếu. 

Các chuyên gia TPS đánh giá tỷ giá là biến số vĩ mô nhạy cảm, có tác động gián tiếp nhưng mạnh mẽ tới thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn ngoại đóng vai trò lớn trong thanh khoản và định giá thị trường. 

 Ảnh: TPS

Cùng đó, thực tế dữ liệu thị trường cho thấy mối quan hệ giữa tỷ giá USD/VND và hành vi dòng vốn ngoại trở nên nhạy cảm hơn trong giai đoạn gần đây. Nhất là kể từ năm 2022 trở đi, khi tỷ giá có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là vượt vùng 24.000 VND/USD, thị trường chứng khoán ghi nhận sự đảo chiều quyết liệt của dòng vốn ngoại. Trong năm 2024, ngay sau khi tỷ giá vượt mốc 25.000, xu hướng bán ròng gia tốc mạnh mẽ, tạo nên một giai đoạn rút vốn kéo dài và quyết liệt. 

“Từ góc độ phân tích hành vi, việc tỷ giá leo thang khiến lợi suất đầu tư ròng (sau quy đổi) của khối ngoại giảm đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất USD duy trì ở mức cao hơn lãi suất VND. Bên cạnh đó, diễn biến tỷ giá mạnh lên cũng thường đi kèm với rủi ro vĩ mô gia tăng – điều khiến dòng vốn ngoại trở nên thận trọng và có xu hướng rút lui khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam”, nhóm phân tích TPS nhận định.

Tỷ giá di chuyển đồng pha với giá vàng

Xem xét dữ liệu 2 năm gần nhất, nhóm phân tích TPS cũng chỉ ra mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa giá vàng trong nước, giá vàng thế giới và tỷ giá USD/VND, đặc biệt kể từ quý II/2024 – thời điểm Chính phủ bắt đầu can thiệp mạnh hơn vào thị trường vàng trong nước.

Trước đó, giá vàng SJC thường xuyên cao hơn đáng kể so với giá vàng thế giới, thể hiện sự lệch pha rõ rệt do yếu tố cung hạn chế và cơ chế quản lý riêng biệt. Tuy nhiên, kể từ khi có sự can thiệp điều tiết – cả về nguồn cung lẫn chính sách – mức chênh lệch này đã được thu hẹp, và từ đó, giá vàng trong nước đã di chuyển tương đối đồng pha với giá vàng thế giới. 

   Ảnh: TPS 

“Dữ liệu cũng cho thấy tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng ổn định, tạo thêm một lực đẩy kép cho giá vàng trong nước – do cả hai yếu tố: giá quốc tế tăng và tỷ giá quy đổi cao hơn. Từ quý III/2024 đến nay, cả ba biến số: giá vàng thế giới, giá vàng trong nước và tỷ giá USD/VND – đều tăng mạnh mẽ và song hành, phản ánh tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư trong bối cảnh bất ổn vĩ mô gia tăng”, báo cáo của TPS nhận định.

Đáng chú ý, sự tăng tốc của giá vàng cũng đồng nghĩa với dòng tiền đầu cơ và đầu tư ngắn hạn có xu hướng chuyển dịch sang kênh vàng – một loại tài sản có tính thanh khoản cao và tâm lý “trú ẩn an toàn”. 

Trong bối cảnh này, các chuyên gia nhận định vàng trở thành kênh đầu tư cạnh tranh trực tiếp với thị trường chứng khoán, đặc biệt là với bối cảnh giai đoạn mà rủi ro vĩ mô gia tăng, tỷ giá tăng và kỳ vọng lãi suất không còn hỗ trợ thị trường cổ phiếu. 

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vấn đề tỷ giá đang trở thành mối quan tâm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp công bố các quyết định áp thuế. Lãnh đạo NHNN đánh giá diễn biến tỷ giá phức tạp, việc các đối tác thương mại áp dụng trả đũa khiến thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp hằng ngày hằng giờ. Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hoà sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất.