Tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp cao, lợi nhuận và tăng trưởng TCB có thể đi ngang trong năm nay
Theo đó, lãi ròng 2022 TCB ghi nhận 20.436 tỷ đồng, tăng 11% so với 2021. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sang năm nay, mức tăng trưởng sẽ âm 0,2% so với năm ngoái do các yếu tố về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cùng với giả định mức tổn thất quá lớn từ thị trường đối với trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản của Ngân hàng.
Cụ thể, trong năm qua, tỷ lệ CASA của TCB đã giảm 9,5 điểm % so với cùng kỳ quý IV/2021 và 13,5 điểm % cùng kỳ cả năm 2021 xuống còn 37%, ghi nhận mức giảm thấp nhất trong các ngân hàng thuộc top đầu Việt Nam.
Theo TCB, nguyên nhân chủ yếu là do Ngân hàng muốn tăng tiền gửi có kỳ hạn trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng khó khăn trong quý IV/2022 và khách hàng có xu hướng giảm tiền mặt, ưu tiên gửi tiết kiệm do các cơ hội đầu tư ít hơn sau các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu.
Trên thực tế, do mặt bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng tăng kịch trần 6%/năm và kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm tăng lên 9 - 9,5%/năm, còn kỳ hạn tiền gửi dài trên 1 năm, lãi suất tiết kiệm tiền đồng được nhiều nhà băng niêm yết trên 9,5%-10,5%/năm,... vì thế, không chỉ những ngân hàng nhỏ mà ngay cả những ngân hàng đứng đầu về CASA cũng ghi nhận xu hướng giảm trong năm 2022. Sự sụt giảm mạnh lần này đã khiến TCB để mất ngôi “vương” sau 2 năm liền, nhường vị trí số 1 (ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất) cho MB.
Tuy nhiên, VCSC dự báo tỷ lệ này của TCB vẫn sẽ cải thiện so với cùng kỳ 2022 nhờ áp lực thanh khoản giảm bớt và các vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản dần được cải thiện trong năm nay.
Hiện nay, TCB là ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp cao, với số dư trái phiếu doanh nghiệp chiếm 8,9% dư nợ tín dụng, tính đến quý IV/2022. Trong đó, khoảng 70% là trái phiếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, tỷ trọng dư nợ cũng cao trong lĩnh vực bất động sản, dư nợ cho vay các doanh nghiệp bất động sản chiếm 25,9% tổng dư nợ cho vay tính đến quý IV/2022. Do những lo ngại của thị trường về các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và ngành bất động sản, giá cổ phiếu của TCB đã giảm 46,1% kể từ đầu năm 2022. Theo các chuyên gia, với thị giá hiện tại, thị trường đang giả định mức tổn thất gần 50% đối với các khoản vay và trái phiếu bất động sản của TCB.
Từ những đánh giá dựa trên nghiên cứu thị trường, VCSC dự phóng tích cực cho Ngân hàng đến 2025 nhìn chung tăng trưởng dương sau thời kỳ biến động thị trường khiến lãi ròng cả năm 2023 dự kiến giảm tốc.
Dự báo tăng trưởng chậm cho toàn ngành ngân hàng
Theo báo cáo ngành ngân hàng được VNDIRECT công bố hồi đầu tháng 1, nhóm phân tích nhận định “sóng gió" vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2023 do thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng. Chịu tác động như vậy, tình hình ngành ngân hàng được dự báo có sự chững lại nửa đầu 2023, nhưng sẽ trở nên khả quan hơn vào nửa cuối năm.
Cụ thể, ngoài biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản làm tăng áp lực cho các ngân hàng, các chuyên gia dự báo sang năm nay, ngành ngân hàng tiếp tục đối diện với một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến thanh khoản, là việc các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về dòng tiền, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.