TCB, VPB, SHB... nằm trong nhóm ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản nhiều nhất

Đông Bắc 17:29 | 09/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Techcombank và VPBank là hai ngân hàng có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản dẫn đầu trong số các đơn vị công bố số liệu tại BCTC quý I/2022.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trả lời chất vấn một số nội dung liên quan đến tín dụng trong lĩnh vực bất động sản.

Theo bà Hồng, tính đến cuối tháng 4, tổng dư nợ với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng ở mức hơn gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2021 và chiếm 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%, tương đương 37.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thống đốc NHNN cũng cho biết, hiện 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10-25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.

Dư nợ bất động sản của các ngân hàng được phân loại dưới các dạng khác nhau như cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản hoặc cho vay cá nhân, vay tiêu dùng để mua nhà ở, mua đất để xây nhà...

Theo dữ liệu từ báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I/2022, Techcombank (HOSE: TCB) có dư nợ kinh doanh bất động sản thuộc top nhiều nhất với hơn 98.166 tỷ đồng, chiếm 26,8% trong cơ cấu dư nợ cho vay khách hàng. Bên cạnh đó, Techcombank đang có 171.623 tỷ đồng cho vay cá nhân, trong đó bao gồm cả cho vay để mua nhà ở, bất động sản.

Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2022 về siết trái phiếu bất động sản, Chủ tịch HĐQT Techcombank, ông Hồ Hùng Anh cho biết: "Định hướng đã rất rõ ràng, chúng ta không có ai nói hạn chế việc phát triển thị trường vốn cả. Việc làm sạch thị trường với nhiều vấn đề xảy ra thời gian vừa rồi chỉ là thiểu số. Những thông điệp rõ như vậy, thì việc chúng ta đóng góp phát triển thị trường vốn là chiến lược phù hợp".

Ông Hồ Hùng Anh cũng cho biết thêm rằng bất động sản vẫn là lĩnh vực tiềm năng, cho lợi nhuận tốt, nếu ngân hàng có thể quản trị rủi ro tốt, không có lý do để hạn chế vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank từng khẳng định 5 năm qua, ngân hàng chưa gặp vấn đề với các khoản vay bất động sản, nợ xấu gần như bằng 0. Ông cho biết việc quản trị rủi ro vẫn đang được thực hiện tốt và khẳng định sẽ tiếp tục duy trì những định hướng với cho vay bất động sản.

VPBank (HOSE: VPB) cũng nằm tỏng nhóm các ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản nhiều nhất với dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản 42.483,83 tỷ đồng tính đến hết quý I/2022, chiếm 11,4% trong cơ cấu dư nợ cho vay.

Đồng thời, nhà băng này có 66.387,96 tỷ đồng cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà, tỷ trọng 17,7% trong cơ cấu dư nợ cho vay khách hàng, theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I.

Như vậy sơ bộ, đến hết ngày 31/3/2022, VPBank có hơn 108.872 tỷ đồng cho vay trong lĩnh vực bất động sản, tương đương hơn 29% dư nợ cho vay khách hàng.

Tại đại hội thường niên 2022, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ rằng gần 40% dư nợ mảng bán lẻ là cho vay mua nhà. Đây là nhu cầu thiết yếu và thực tế, do đó VPBank vẫn sẽ duy trì và mở rộng cho vay. Tuy nhiên, ông Vinh cũng thông tin rằng với một số loại hình như bất động sản nghỉ dưỡng hay bất động sản mang tính đầu cơ, VPBank sẽ quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn.

Bên cạnh Techcombank và VPBank, hai ngân hàng thương mại khác cũng có dư nợ kinh doanh bất động sản lớn gồm SHB (24.826,4 tỷ đồng) và MBBank (19.311,62 tỷ đồng), lần lượt chiếm tỷ trọng 6,68% và 4,65% trong dư nợ cho vay khách hàng của mỗi ngân hàng.

Một số ngân hàng khác cũng cập nhật khoản vay kinh doanh bất động sản trong BCTC quý I/2022 khá lớn, có thể điểm tới như VietBank (10.789,79 tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng dư nợ cho vay khách hàng), MSB (11.162,28 tỷ đồng, chiếm 10,13% tổng dư nợ cho vay khách hàng)...

 

Ngân hàng Nhà nước nói về tín dụng bất động sản

Đầu tư kinh doanh bất động sản được NHNN đánh giá là một trong các lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát. Tại kỳ họp Quốc hội khóa XV lần này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương của cơ quan điều hành là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, bản chất của tín dụng bất động sản thường là giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Vì vậy, NHNN có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro, chỉ đạo các tổ chức tín dụng khi cho vay có tài sản đảm bảo cần thường xuyên đánh giá lại những tài sản đảm bảo để nhận diện rủi ro.