UOB hoàn tất mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, khách hàng bị ảnh hưởng ra sao?

12:38 | 01/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UOB đã thực hiện thành công việc mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ tương tự tại các thị trường khác trong năm nay.
 

 Ngân hàng UOB hoàn tất mua lại mảng Ngân hàng Tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam

Hôm nay (1/3), Ngân hàng UOB cho biết đã hoàn tất thu mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam. Mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup bao gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi. 

Theo thông cáo phát đi từ UOB, Ngân hàng Citibank, N.A., Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và Chi nhánh Hà Nội ("Citi") đã ký kết thỏa thuận với Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank Việt Nam ("UOB) để mua lại mảng ngân hàng bán lẻ của Citi vào ngày 14/01/2022 (“Chuyển Giao”). Việc Chuyển Giao sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2023 ("Ngày Chuyển Giao"). Sau Ngày Chuyển Giao, UOB là ngân hàng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng, và Citi là đơn vị bên cung cấp sự hỗ trợ nhất định trong giai đoạn chuyển giao đối với một số sản phẩm và dịch vụ.

Động thái này nằm trong kế hoạch mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại 4 thị trường Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam nhằm mở rộng mạng lưới của UOB tại khu vực ASEAN. Việc thu mua đã hoàn tất tại Thái Lan và Malaysia vào tháng 11/2022 và dự kiến vào cuối năm 2023 với thị trường Indonesia.

Sau khi hoàn tất, việc sáp nhập dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi cơ sở khách hàng bán lẻ hiện có của UOB tại 4 thị trường và bổ sung thêm 5.000 nhân sự vào đội ngũ nhân lực của ngân hàng.

 

 

Ngân hàng UOB Việt Nam bắt đầu hoạt động như một ngân hàng độc lập ngày 2/7/2018, và là một ngân hàng con của Ngân hàng UOB tại Singapore, một ngân hàng hàng đầu tại châu Á với mạng lưới hơn 500 văn phòng ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu và Bắc Mỹ.

UOB thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 1993 và là ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM năm 1995. Ngày nay, UOB Việt Nam cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân và doanh nghiệp cho cả khách hàng Việt Nam và nước ngoài thông qua mạng lưới kết nối khu vực của UOB. Năm 2019, UOB Việt Nam mở rộng ra thị trường phía Bắc với việc khai trương văn phòng chi nhánh tại Hà Nội.

Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết đã hợp tác chặt chẽ với Citigroup Việt Nam để đảm bảo một quá trình chuyển giao diễn ra liền mạch cho khách hàng, dự kiến ​​sẽ mất từ ​​12 đến 18 tháng khi ngân hàng tiến tới việc tích hợp hoàn toàn về hệ thống.

Trong giai đoạn chuyển giao này, các sản phẩm, dịch vụ cũng như lợi ích cho các khách hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam vẫn được đảm bảo. Các khách hàng hiện tại của Ngân hàng UOB Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ bộ sản phẩm tín chấp được mở rộng, bao gồm thẻ tín dụng và khoản vay cá nhân không thế chấp, bổ sung vào các giải pháp cho vay hiện tại của UOB.

Cùng với việc mở rộng hoạt động này, Ngân hàng UOB Việt Nam cũng đã bổ nhiệm các lãnh đạo cấp cao để dẫn dắt hoạt động kinh doanh bán lẻ được mở rộng tại Việt Nam gồm ông Fred Lim, Giám đốc Chuyển đổi Bán lẻ, Kênh và Số hóa và Ngân hàng Doanh nghiệp và ôngng Paul Kim, Giám đốc Dịch vụ Tài chính Cá nhân.

Về phía mình Citi có thông báo ngắn cho khách hàng như sau: "Vào tháng 4 năm 2021, Citi thông báo một kế hoạch tái cấu trúc để tập trung đầu tư nhiều hơn vào những lĩnh vực chiến lược khác bao gồm khối ngân hàng doanh nghiệp, để thúc đẩy và cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng cũng như mang lại lợi nhuận cao hơn cho các cổ đông. Theo đó, khối ngân hàng bán lẻ của Citi sẽ tập trung hiện diện tại Singapore, Hong Kong, London và UAE – đồng thời sẽ rút khỏi 13 thị trường bán lẻ ở châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi, bao gồm cả Việt Nam".

Sau khi các tài khoản của Quý khách (bao gồm tài khoản vãng lai, tài khoản tiết kiệm, tài khoản tiền gửi cũng như tài khoản Thẻ Tín dụng hoặc tài khoản Khoản Vay Tiêu Dùng) bị đóng, việc truy cập sử dụng các dịch vụ Citi và các quyền lợi liên quan đến tài khoản của Quý khách sẽ bị ảnh hưởng như sau:

Ảnh hưởng chung:

    • .Quý khách sẽ không thể sử dụng tài khoản của Quý khách và các thẻ liên quan để thực hiện bất kỳ giao dịch nào hoặc cho bất kỳ mục đích nào khác;

.Quý khách sẽ không thể đăng nhập vào dịch vụ Ngân hàng Trực tuyến (Citibank Online) và Ứng dụng Citi Mobile® (Citi Mobile® App);

  • .Tất cả các quyền lợi khác liên quan đến các tài khoản của Quý khách sẽ bị chấm dứt;
  • .Quý khách vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản tiền còn nợ (bao gồm cả phí và lệ phí) phải thanh toán liên quan đến các tài khoản của Quý khách;

Các Tài khoản và Tiền gửi:

  • .Lãi sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật và các điều khoản và điều kiện của sản phẩm tương ứng;
  • .Các séc xuất trình sau khi đóng tài khoản sẽ không được chấp nhận và xử lý;
  • .Các yêu cầu chưa được xử lý sẽ bị hủy bỏ khi đóng tài khoản;
  • .Để xử lý việc thanh toán cho các bên bán hàng/cung ứng dịch vụ và tiền hoàn thuế có liên kết với các tài khoản của Quý khách, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với các bên bán hàng/cung ứng dịch vụ và bất kỳ bên thứ ba nào khác tương ứng để thỏa thuận về các phương thức xử lý thay thế.