Ưu đãi thuế từ EVFTA: Rộng cửa cho ngành xuất khẩu chuối

14:21 | 21/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau gạo và tôm, lần lượt cà phê và trái cây được sang châu Âu với thuế suất ưu đãi chưa từng có kể từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Nhiều loại nông sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên "kỳ tích" bên trời Âu.

Với số dân 448 triệu người, thu nhập bình quân đầu người 35.623 USD (2019), EU là thị trường lớn của nông sản thế giới. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam, với các ưu đãi thuế quan rất lớn. 

Năm 2019, EU nhập khẩu 119,3 tỷ Euro nông sản, thực phẩm, trong đó trái cây nhiệt đới 12,5 tỷ USD, tăng 6% so với 2018. Điều đáng chú ý là kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản của EU tăng trưởng liên tục ở mức trung bình 5%/năm và nếu so với 2002, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) năm 2018 tăng hơn 2 lần.   

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết ngày 30/6/2019 sau 7 năm đàm phán. Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, qua đó giành lợi thế lớn mở của thị trường nông sản so với các đối tác có cùng nhóm hàng nông sản xuất khẩu ở Đông Nam Á (gạo, cà phê, trái cây nhiệt đới: rau quả tươi, đông lạnh, chế biến,…) như Thái Lan, Philippines, Indonesia hay Malaysia.

Ưu đãi thuế từ EVFTA: Rộng cửa cho ngành xuất khẩu chuối - ảnh 1

Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau quả nào sang EU miễn là đạt tiêu chuẩn

Nông sản Việt, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc thực vật như: cà phê, điều, tiêu, trái cây nhiệt đới của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với nông sản EU mà mang tính bổ sung. Do vậy, với thuế giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, cà phê, hạt điều,… của Việt Nam sẽ có ưu thế lớn về giá. Riêng rau quả, ngay khi EVFTA có hiệu lực thì 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia... Đây là cơ hội to lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường này.

EVFTA khác biệt so với các FTA ký trước đó, không có hạn chế về mặt hàng và kim ngạch, nên không phải đàm phán từng mặt hàng cụ thể. Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau quả nào sang EU, miễn là mặt hàng đó được sản xuất tại Việt Nam và đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang EU đạt kim ngạch 148 triệu USD, tăng 28,5% so với năm 2018, nhưng mới chỉ chiếm 0,08% tổng nhu cầu nhập khẩu rau, quả của EU.

Nông sản rộng đường xuất khẩu

 
Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam. Nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Điều này đã được chứng minh khi giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 8 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.

Điển hình như sản phẩm chanh leo, Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo hàng đầu khu vực do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất và nhu cầu gia tăng, đặc biệt là các thị trường cao cấp. Hiện chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu tới cả các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Sỹ...

Bên cạnh đó, chanh leo cũng là sản phẩm có tỷ lệ chế biến chiếm tỷ trọng cao, trên 65% tổng giá trị chanh leo xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các loại trái cây, năm 2019 tăng hơn 50% so với 2018.

Ưu đãi thuế từ EVFTA: Rộng cửa cho ngành xuất khẩu chuối - ảnh 2

Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội, lợi thế tại thị trường EU.

Riêng đối với mặt hàng gạo, Bộ NN&PTNT cho biết, 8 tháng năm 2020, xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 15,8 nghìn tấn, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD. Từ ngày 4/9 đến ngày 17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4,3 nghìn tấn gạo thơm. Xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19.
 
Trong tháng 9/2020, một loạt các mặt hàng nông sản Việt Nam đã xuất khẩu những lô đầu tiên đi EU theo Hiệp định EVFTA.
 
Có thể kể đến như: Xuất khẩu lô tôm đầu tiên vào ngày 11/9; xuất khẩu lô chanh leo 100 tấn sang thị trường Hà Lan vào ngày 16/9; cùng ngày, xuất khẩu 296 tấn cà phê sang thị trường này.
 
Ngày 17/9, tại Bến Tre, Bộ NN&PTNT đã tổ chức xuất khẩu lô trái cây với 20.000 quả dừa tươi sang thị trường Anh, 12 tấn bưởi sang thị trường Đức và 3 tấn thanh long sang thị trường Hà Lan theo Hiệp định EVFTA.
 
Bên cạnh đó, ngày 22/9, tại tỉnh An Giang, UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN&PTTN tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Lô hàng gồm 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85, sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9/2020.
 
Với việc thuận lợi trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang EU, hứa hẹn giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp sẽ tăng lên nhanh trong thời gian tới và không ngừng cải thiện về mặt chất lượng sản phẩm. Thông Thuận Group – đơn vị có lô tôm đầu tiên xuất khẩu sang EU cho biết, khi Việt Nam tham gia EVFTA, các đơn hàng của Công ty tại thị trường EU tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệ thống.
 

Cơ hội xuất khẩu chuối Việt đang rộng mở.


Theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi của Việt Nam được hưởng thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (từ ngày 1/7/2020, theo thông tin từ báo chính phủ).
 
Châu Âu và Mỹ là hai thị trường nhập khẩu chuối lớn nhất, chiếm lần lượt là 31% và 22% thị trường nhập khẩu chuối toàn cầu. Chưa bao giờ cơ hội xuất khẩu của trái chuối Việt Nam lại rộng mở như hiện nay. 
 
Theo ghi nhận của Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại – Bộ Công Thương (VITIC) năm 2019, chuối chiếm hơn 19% tổng diện tích cây trồng ăn quả với diện tích trên 100.000ha và có sản lượng tiêu thụ khoảng 1.4 triệu tấn/ năm. Với số lượng sản xuất này, Việt Nam đứng hàng thứ 14 trên thế giới, chiếm 1.7% thị phần so với các nước (theo thống kê của trang Tridge).
 
Có thể thấy, chuối đang chứng tỏ là loại nông sản rất tiềm năng cho thị trường xuất khẩu và nội địa. Nhờ thế, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn loại nông sản này để đầu tư vào các quy trình trồng và thu hoạch, bảo quản… theo các tiêu chuẩn dịch vụ xuất nhập khẩu chung.
 
Ưu đãi thuế từ EVFTA: Rộng cửa cho ngành xuất khẩu chuối - ảnh 3
 
Chưa bao giờ cơ hội xuất khẩu của trái chuối Việt Nam lại rộng mở như hiện nay
 
Theo ông Võ Quan Huy (Út Huy), Giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An, thị trường xuất khẩu của trái chuối Việt còn rất nhiều tiềm năng. Về cơ cấu mặt hàng quả và quả hạch EU nhập khẩu, chuối, kể cả chuối lá, tươi hoặc khô, có giá trị nhập khẩu lớn thứ hai sau mặt hàng quả thuộc chi cam quýt, tươi hoặc khô. 
 
Tuy nhiên, để trái chuối Việt xuất khẩu được thì không phải chuyện đơn giản. Bởi muốn xuất khẩu chuối phải xây dựng được vùng chuyên canh ổn định, canh tác theo một quy trình sạch, khép kín.
 
Thị trường EU có chính sách bảo vệ người tiêu dùng rất chặt chẽ và có những rào cản về kỹ thuật rất lớn. Có thể nói, đây là thị trường rất khó tính để xuất khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về các hàng rào kỹ thuật như: an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất xứ nguồn gốc rõ ràng khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường EU.
 
Mỗi năm EU chi khoảng 150 tỷ USD để nhập khẩu nông sản. Trong khi giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU mới trên 5 tỷ USD. Điều này cho thấy, EVFTA có hiệu lực, nông sản Việt còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, thị trường châu Âu có những tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cần phải rất chú ý để vượt qua. 
 
Những khuyến nghị sau sẽ là gợi ý để các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam không còn bỡ ngỡ khi đưa hàng sang thị trường này.Một lãnh đạo ngành nông nghiệp đã chia sẻ, nếu ví EVFTA là con đường cao tốc thì với ngành nông nghiệp đó là con đường rất dài. Chúng ta không thể đi xe công nông trên con đường này mà phải có những cỗ xe tốt, mà cụ thể đó là sự vào cuộc kịp thời và chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị với cộng đồng nông dân và doanh nghiệp. Có như vậy ngành nông nghiệp mới có thể tận dụng tốt nhưng ưu đãi mà EVFTA mang lại và đem lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân.
 
Nguyễn Dung(t/h)