Uỷ ban Chứng khoán lý giải nguyên nhân thị trường Việt Nam vào top giảm mạnh nhất thế giới

Diên Vỹ 10:59 | 12/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua biến động mạnh xuất phát từ nhiều yếu tố trong nước và quốc tế.

 

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch đi vào lịch sử khi đà bán tháo của nhà đầu tư trong nước có thời điểm đưa VN-Index thủng đáy rơi về vùng giá của thời điểm trước đại dịch COVID-19.  Riêng phiên giao dịch 10/11, hơn 310 mã kịch sàn. Tâm lý bi quan bao trùm thị trường trong bối cảnh áp lực giải chấp của lãnh đạo hàng loạt doanh nghiệp, thanh khoản tắc nghẽn, call margin...

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index hồi về vùng 954 điểm, tương ứng tăng 7,29 điểm trong tuần, chủ yếu nhờ những thông tin tích cực từ thị trường Mỹ khi CPI tháng 10 của Mỹ giảm mạnh so với tháng trước tạo đà cho một phiên rực rỡ của chứng khoán phố Wall.

Dù vậy, so với 3 tháng trước, VN-Index đã giảm ròng gần 25%. Nếu tính từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã giảm liên tục hơn 37%, đưa TTCK Việt Nam trở thành một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới thời gian qua.

 VN-Index giảm mạnh, mất 25% trong 3 tháng (Ảnh: TradingView)

Trong bối cảnh đó, ngày 11/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra một số lý giải về biến động trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian qua.

Triển vọng thế giới kém tích cực

Sau các biện pháp hỗ trợ kinh tế sau đại dịch COVID-19, lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới khiến nhiều nền kinh tế phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh nhằm kiểm soát lạm phát.

Trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành thêm tổng cộng 3,75 điểm phần trăm qua 6 lần điều chỉnh liên tiếp. Đây là mức tăng lãi suất cơ bản mạnh nhất mà Fed thực hiện kể từ năm 1994.

Một số ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu cũng thực hiện những động thái thắt chặt tiền tệ tương tự. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã điều chỉnh tăng lãi suất 7 lần liên tiếp kể từ tháng 12/2021, lên mức 2,25%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng ba lần điều chỉnh tăng lãi suất trong năm 2022 trong bối cảnh lạm phát tiếp tục xu hướng tăng ở khu vực này.

Cùng đó, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng giữa các nước lớn và chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc.... làm trầm trọng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá cả lương thực, năng lượng theo đó tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của các doanh nghiệp và gia tăng áp lực lạm phát. 

Theo UBCKNN, những yếu tố như vậy đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro "suy thoái - lạm phát" ở một số quốc gia. Các tổ chức quốc tế thời gian qua liên tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023. Trong đó, IMF hạ mức dự báo xuống còn 3,2% cho năm 2022 và 2,7% cho năm 2023, Ngân hàng thế giới ước tính tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống còn 0,5% trong năm 2023.

Trong bối cảnh đó, TTCK trên thế giới cũng trải qua nhiều biến động. Tính đến ngày 31/10/2022, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ACWI đã giảm 21,98%; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 12,3%, chỉ số DAX của Đức giảm 16,63%, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 23,82%, chỉ số Shang Hai của Trung Quốc giảm 19,89%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 36,48%, chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm 18,15% so với cuối năm 2021.

Nhà đầu tư trong nước thận trọng, dòng tiền dịch chuyển 

Trong nước, dòng tiền trên TTCK đã chịu sự tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất. Sau các bước điều chỉnh lãi suất liên tục của Fed trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có hai lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với lạm phát và giảm tác động từ bên ngoài.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cũng đã gia tăng, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng và giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Dòng vốn đầu tư trên TTCK cũng có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.

Một nguyên nhân khác mà UBCKNN chỉ ra là TTCK đã tăng trưởng mạnh trong năm 2021 đến quý I/2022. Do vậy, khi xuất hiện các yếu tố tác động không thuận, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường.

Ngoài ra, việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tác động đến tâm lý chung trên TTCK, tạo tâm lý thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường.

UBCKNN cho rằng TTCK Việt Nam biến động mạnh trong thời gian qua xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới và có sự đồng pha với diễn biến trên TTCK thế giới.

5 giải pháp bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững và minh bạch của thị trường

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững và minh bạch của TTCK Việt Nam, UBCKNN đã và đang triển khai một số giải pháp.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, TTCK, an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ để ổn định tâm lý nhà đầu tư, tăng cường minh bạch cho TTCK.

Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Phối hợp với cơ quan điều tra trong xác minh, điều tra các sai phạm nghiêm trọng trên TTCK như vụ thao túng cổ phiếu FLC, Louis,... và xử lý các tin đồn thất thiệt nhằm trấn an tâm lý nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc phát triển TTCK minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát và giao dịch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thông qua việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế và nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn và giảm thiểu rủi ro cho thị trường.

Đồng thời chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.

Thứ tư, rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK.

Thứ năm, điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh, theo đó không lấy giá đóng cửa phiên ATC của thị trường cơ sở vào ngày đáo hạn phái sinh mà lấy giá trung bình trong 30 phút cuối cùng trước khi đóng cửa của thị trường cơ sở (gồm 15 phút khớp lệnh định kỳ và kết quả phiên ATC).

Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm TTCK Việt Nam phát triển ổn định, minh bạch.

Đồng thời, UBCKNN tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển TTCK minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả.

Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu gần đây khiến định giá của VN-Index hấp dẫn hơn trước.

Hiện tại, P/E dự phóng cuối năm của thị trường Việt Nam khá thấp so với các nước trên thế giới, theo mức dự phóng đồng thuận của thị trường được thống kê bởi Bloomberg. Chỉ số định giá P/E của VN-Index quanh mức 10–10,7 lần, tức ngưỡng trung bình 10 năm trừ đi hai độ lệch chuẩn. Đây được đánh giá là cơ hội tốt để tích lũy các cổ phiếu có tính chất phòng thủ và có định giá hấp dẫn.