Vafi muốn đưa lãi suất tiền gửi về 0% giống các quốc gia Âu-Mỹ

07:19 | 23/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) cho rằng lãi suất tiền gửi ở Việt Nam đang ở mức cao so với mặt bằng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, và Chính phủ có thể đưa lãi suất tiền gửi về 0%.

Cụ thể, Vafi lấy ví dụ về các nước châu Âu - Mỹ, các nước Đông Âu chuyển đổi sang kinh tế thị trường thì các nền kinh tế phát triển trên đều có mức lãi suất tiền gửi 0%/năm, thậm chí có quốc gia còn duy trì mức lãi suất âm.

Từ đó, tổ chức này kết luận rằng lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5 - 6,2%/năm là cao so với trung bình nhiều nước. Điều này dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn và gây ra trở ngại lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và nhóm người có thu nhập trung bình - thấp. 

Vafi giải thích lý do lãi suất tiền gửi nước ta vẫn còn cao là bởi chưa có cơ chế, phương án kiểm soát dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi. Hướng chúng vào các kênh đầu tư mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Nhờ đó cũng sẽ ngăn chặn cản được các dòng tiền này đi vào các kênh không có lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội như ngoại tệ hay bất động sản. 

Vafi muốn đưa lãi suất tiền gửi về 0% giống các quốc gia Âu-Mỹ - ảnh 1

Vafi cho rằng cần hướng dòng tiền nhà rỗi về những kênh có lợi cho nền kinh tế

Do đó, tổ chức này đề nghị xây dựng các giải pháp để đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm như: Bộ Tài chính xây dựng luật Thuế tài sản theo hướng hạn chế dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó cần kiểm soát chặt giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi, với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để chặn tình trạng dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước. Vafi tin rằng đây là biện pháp cần thiết để nhanh chóng hạ thấp mức lãi suất tiền gửi. 

Sau đó, cần hướng mạnh dòng tiền tiết kiệm vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2%/năm. Qua đó sẽ giúp hệ thống ngân hàng có thể huy động được nguồn vốn khổng lồ làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất thấp 5%/năm. 

Để tiến hành được thì Bộ Tài Chính cần loại bỏ thuế chuyển nhượng trái phiếu, thuế lợi tức trái phiếu cho các đối tượng tổ chức, cá nhân đầu tư nhằm góp phần hạ thấp lãi suất huy động. Ngân hàng Nhà nước cần đảm quyền lợi cho người dân khi đầu tư vào hệ thống trái phiếu do ngân hàng phát hành thì sẽ tương đương với việc gửi tiết kiệm; nếu cần thiết thì nên ban hành chính sách đảm bảo để hướng nguồn tiền nhàn rỗi vào kênh đầu tư dài hạn.

Khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh, để tránh trường hợp tiền nhà rỗi đổ vào ngoại tệ thì Vafi tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng cần ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ để giữ chính sách tỷ giá ổn định và không làm mất cân đối kinh tế vĩ mô… Đồng thời chú ý đến thâm ngân sách hàng năm, cấm hoạt động đối với các ngân hàng yếu kém…

Về lý do tại sao Việt Nam có đủ khả năng triển khai việc này, theo Vafi thì kinh tế nước ta đã có tiền đề vững chắc như: Chính trị ổn định, nền kinh tế tăng trưởng cao, có nguồn ngoại tệ rất lớn từ xuất khẩu, dự trữ ngoại tệ ở ngân hàng trung ương tăng cao, dịch Covid-19 không làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán...

H.S

Xem thêm: Ngân hàng nhà nước muốn đưa nhà băng vào nhóm “yếu kém” nếu mất một nửa vốn pháp định