Vai trò các cựu quan chức trong vụ bà Dương Thị Bạch Diệp hoán đổi đất công sang tư
Bộ Công an cho biết ông Nguyễn Thành Rum cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của TP.HCM đã thiếu sát sao, kiểm tra tạo điều kiện cho bà Dương Thị Bạch Diệp lừa đảo, biến đất công thành đất tư.
Hàng loạt cán bộ thiếu sát sao
Trong vụ án bà Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Nguyễn Thành Rum (SN 1953, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM) cùng một đồng phạm khác cũng bị xử lý hình sự với tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo điều tra, khi nhận được đề xuất hoán đổi lô đất 185 Hai Bà Trưng (quận 3, trước đây là trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP) sang 57 Cao Thắng (quận 3), bà Nguyễn Thị Hồng (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM) không đồng ý. Tuy nhiên, bà Diệp tiếp tục mang đề xuất đi gặp những người khác.
Bộ Công an nhận định việc ông Rum đồng ý chủ trương cũng như đề xuất lên các cấp, ngành liên quan việc hoán đổi là xuất phát từ những lợi ích của phương án hoán đổi do ông Vy Nhật Tảo, nguyên giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM đưa ra.
Ông Tảo được cơ quan điều tra xác định không nắm được quy định của nhà nước liên quan tới quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Hành vi phạm tội của ông chỉ xuất phát từ tính khả thi và lợi ích được bà Diệp vẽ ra. Vậy nên, ông Tảo cũng bị đề nghị truy tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Với ông Rum, bản thân ông cũng nhận thức được quyền sở hữu hợp pháp, không có tranh chấp, thế chấp đối với nhà đất số 57 Cao Thắng là điều kiện tiên quyết, bắt buộc để có thể thực hiện việc hoán đổi. Tuy nhiên, ông Rum đã thiếu sót khi tin tưởng vào Trung tâm Ca nhạc nhẹ, Ban chỉ đạo 09 và các đơn vị chức năng mà lơi lỏng việc kiểm tra; chỉ đạo kiểm tra, xác minh dự án.
Ông Lê Tôn Thanh (nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP) cũng thiếu sự sát sao với dự án. Với vai trò của người được ông Rum giao đại diện sở phối hợp với Ban chỉ đạo 09 để thống nhất chủ trương hoán đổi nhưng ông lại không kiểm tra. Điều này dẫn đến việc các lãnh đạo thành phố không phát hiện nhà đất số 57 Cao Thắng đã bị thế chấp.
Bị can Đào Anh Kiệt, nguyên giám đốc sở Tài nguyên - Môi trường TP do nhận thức sai, làm việc không hết trách nhiệm nên đã ký hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với nhà đất số 185 đường Hai Bà Trưng.
Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể hiện việc Công ty Diệp Bạch Dương đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà đất số 185 đường Hai Bà Trưng và nhà đất số 57 Cao Thắng đã bị thế chấp.
Những sai sót trên đã tạo điều kiện cho bà Dương Thị Bạch Diệu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại tài sản của nhà nước.
Chiêu trò chiếm đoạt tài sản công của bà Dương Thị Bạch Diệp
Cáo trạng của vụ án cho biết, bà Diệp chính là chủ mưu khi đã có nhiều hành vi gian dối trong việc hoán đổi 2 khu đất số 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng hòng chiếm đoạt 352 tỷ đồng.
Năm 2007, Công ty Diệp Bạch Dương hợp tác với Trung tâm ca nhạc nhẹ để cải tạo, nâng cấp trụ sở tại số 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM.
Trong quá trình thương lượng, bà Diệp đề nghị xây trụ sở mới cho trung tâm tại khu đất số 57 Cao Thắng (quận 3). Mặt bằng số 185 Hai Bà Trưng sẽ nhượng lại cho Công ty Diệp Bạch Dương xây khách sạn 5 sao.
Sau đó, UBND TP.HCM ra văn bản không chấp thuận khi phát hiện đề nghị hoán đổi tài sản tư nhân để lấy tài sản thuộc sở hữu Nhà nước của bà Diệp chưa phù hợp các quy định nên tháng 7/2008.
Bà Diệp và một số quan chức liên quan tới vụ án. Ảnh: Tuổi Trẻ
Bà Diệp sau đó tiếp tục vận động các đơn vị đồng ý việc hoán đổi. Bà cũng đến gặp ông Nguyễn Thành Tài đề đạt nguyện vọng của doanh nghiệp muốn xây trụ sở mới cho Trung tâm ca nhạc nhẹ tại số 57 Cao Thắng để đổi lấy quyền sở hữu khu đất 185 Hai Bà Trưng.
Trong thời gian chờ thương lượng, bà Diệp đã thế chấp khu đất 57 Cao Thắng cho Ngân hàng Agribank chi nhánh TP.HCM để vay gần 22.000 lượng vàng. Hành động này của bà không được tiết lộ với bất kỳ lãnh đạo nào tại UBND TP.HCM lẫn Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM.
Năm 2013, Công ty Diệp Bạch Dương chính thức nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với nhà đất số 185 Hai Bà Trưng.
Bà Diệp sau đó mang tài sản 185 Hai Bà Trưng thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank). Hiện tại công ty của bà không còn khả năng trả nợ cho tài sản thế chấp trên. Hành vi của bà Diệp gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 352 tỷ đồng.
Anh Quân