Văn hóa doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh

00:39 | 06/12/2017 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Doanh nghiệp hiện nay đang gánh vác sứ mệnh phát triển nền kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập. Bản thân mỗi doanh nghiệp phải đề cao đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp để phát triển doanh nghiệp của mình bền vững.

Đây là nội dung chính được đề cập đến trong Hội thảo “Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh” được tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội.

Theo các đại biểu, ở Việt Nam trong những năm gần đây, nhận thức và các thể chế về văn hóa doanh nghiệp từng bước hình thành, phát triển và được đề cao ở cả cấp vĩ mô, lẫn vi mô. Đặc biệt, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm là “Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” để khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Văn hóa doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, đang xuất hiện một số vụ việc liên quan đến đạo đức kinh doanh cũng như là văn hóa doanh nghiệp. Chỉ riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm ở Hà Nội trong 5 năm gần đây đã phát hiện hơn 135.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo chất lượng giá trị gần 48 tỷ đồng. Một số vụ kéo dài và phức tạp, nhiều doanh nghiệp thiếu tôn trọng khách hàng và chối bỏ trách nhiệm.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã nêu ra một vài câu chuyện khá đáng buồn của một số doanh nghiệp Việt hiện nay, thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lan tràn, nhiều doanh nghiệp gạt bỏ quy tắc cũng như đạo đức kinh doanh để đạt được mong muốn cũng như lợi ích của mình. Không chỉ vậy, ông còn bày tỏ nỗi lo ngại cho người tiêu dùng khi phải sống trong một môi trường thật - giả lẫn lộn và không biết phải lựa chọn ra sao.
Văn hóa doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh - ảnh 1
 
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Internet

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết: Thực chất quá trình xây dựng thương hiệu chính là quá trình doanh nghiệp đưa ra những cam kết với công chúng, với nội bộ và rồi thực hiện đầy đủ những cam kết đó và những cam kết này phải hiểu là những cam kết có trách nhiệm. Cam kết dựa trên những mong muốn, ước nguyện của khách hàng cũng như là của cộng đồng, nghĩa là những cam kết dựa trên những giá trị văn hóa. Đó là những cái tác động rất nhiều đến tiêu dùng./.