Vẫn khó để mở rộng đối tượng tham gia BHXH
(DNVN) - Hiện nay, nhiều người lao động chưa được tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), chưa được bảo vệ quyền lợi trước những rủi ro trong quá trình làm việc như tai nạn, ốm đau, đặc biệt phần lớn người già không có lương hưu phải sống phụ thuộc vào con cái. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng tham gia để nâng cao độ bao phủ của BHXH đến với người dân là điều hết sức cấp bách.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH chưa khả thi
Mặc dù, với chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện dựa trên chuẩn nghèo khu vực nông thôn với 3 mức hỗ trợ là 30% cho hộ nghèo, 25% cho hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Đặc biệt, các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã được mở rộng thêm cho người có hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, lao động là công dân nước ngoài có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam sẽ là động lực thúc đẩy số lượng người tham gia bảo hiểm cả bắt buộc lẫn tự nguyện tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp đang sử dụng lao động thì việc đóng bảo hiểm cho người lao động có hợp đồng từ một đến dưới ba tháng rất khó khả thi. Bởi đơn cử trong khối lao động dệt may, tỉ lệ nghỉ việc trong khoảng thời gian này thường chiếm tới 40-50%. Bên cạnh đó, việc thực hiện đóng bảo hiểm bắt buộc đối với lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam còn gặp rất nhiều vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể.
Bên cạnh đó, dù đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ về cải cách thủ tục hành chính nhưng hiện cả nước vẫn còn gần 20% người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế. Trong số đó tập trung phần lớn ở đối tượng lao động tự do, di cư. Mặc dù, nếu đăng ký tạm trú tại nơi làm việc, người lao động tự do sẽ được tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình, nhưng rất nhiều lao động tự do vẫn gặp phải vướng mắc từ phía chủ nhà trọ. Đồng thời tâm lý và nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của việc đăng ký tạm trú chưa cao khiến việc tiếp cận các chính sách bảo hiểm ngày càng khó khăn.
Mặt khác, với cơ chế chi trả và chăm sóc BHYT như hiện nay, nhiều người cho rằng mức đóng BHXH vẫn còn quá cao so với thu nhập của người nghèo, trong khi đó, người giàu lại không coi trọng vì thấy BHXH không đáp ứng đủ yêu cầu về chăm sóc và khám chữa bệnh của họ. Đặc biệt hơn, hiện nay BHXH tự nguyện mới chỉ cho phép người tham gia thụ hưởng quyền lợi về hưu trí và tử tuất. Do đó chưa đủ tính thuyết phục để người dân quan tâm và tham gia thực hiện BHXH.
Cần cải cách thủ tục hành chính
Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới thì việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện đang là một thách thức lớn không chỉ với BHXH Việt Nam mà còn đối với những nhà hoạch định chính sách.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Theo con số hiện nay, số người tham gia bảo hiểm bắt buộc mới đạt13,9 triệu người, còn BHXH tự nguyện chỉ rơi vào khoảng vài trăm nghìn người, đây là con số rất thấp so với tổng số người đang trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của hệ thống an sinh xã hội là phải đảm bảo thu nhập và chăm sóc sức khỏe cho tất cả người dân. Mặc dù, trong thời gian vừa qua Bộ luật Lao động đã có những bước tiến lớn về tham gia bảo hiểm bắt buộc, tham gia BHXH tự nguyện nhưng việc để người lao động tham gia BHXH đã không đạt được cái đích như kỳ vọng đề ra.
Do vậy cần có những chính sách để thu hút người lao động tham gia BHXH. Dù hiện nay trong chính sách của BHXH cũng có những khuyến khích đối với những người tham gia BHXH tự nguyện ở các mức đóng khác nhau, nhưng trên thực tế vẫn chưa đủ kích thích người dân tham gia. Cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ ngân sách để người dân tin tưởng vào những lợi ích mà họ đạt được để họ tiết kiệm ngay từ khi còn trẻ để tiết kiệm một quỹ cho chính họ khi về già. Trong thời gian vừa qua Bảo hiểm Việt Nam đã làm rất tốt các cải cách thủ tục hành chính, nhưng trong thời gian tới cần làm tốt hơn nữa vì chúng ta cần mang dịch vụ đến cho người dân, tiếp cận người dân chứ không phải để người dân tự tìm hiểu như hiện nay.
Đồng ý với ý kiến của ông Đỗ Văn Sinh, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng: Già hóa dân số, đã đang và sẽ tiếp tục là một thách thức toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài thách thức đó. Do vậy việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng và điều chỉnh chính sách đặc biệt là chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách hưu trí nói riêng đang đặt ra những yêu cầu to lớn không chỉ cho ngành bảo hiểm mà toàn hệ thống chính trị. Trong thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và nhiều chính sách khác, đồng thời có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội cụ thể của đất nước. Do vậy để mở rộng diện bao phủ của BHXH, rất cần những bước chuyển mình mạnh mẽ của cải cách thủ tục hành chính để làm tăng độ bao phủ của BHXH cũng như đảm bảo quỹ BHXH phát triển ngày một bền vững.