VDSC: Cổ phiếu BĐS có thể nâng đỡ thị trường tháng 6, NĐT nên kiên nhẫn nắm giữ thay vì lướt sóng ngắn hạn

Diên Vỹ 10:57 | 07/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với kỳ vọng triển vọng tăng trưởng kinh tế quý II khả quan sẽ lấn át bối cảnh không mấy thuận lợi của thị trường tiền tệ, VDSC cho rằng NĐT vẫn có thể tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp mà lợi nhuận có thể phục hồi dần theo quý, hoặc tăng trưởng theo năm trong các nhịp giằng co của thị trường tháng 6.

 

Dự báo VN-Index giao dịch trong biên độ 1.250-1.320 điểm trong tháng 6

Trong báo cáo Chiến lược thị trường tháng 6 mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 5 dao động trong vùng biên độ 1.250 – 1.285 điểm, hẹp hơn kỳ vọng của nhóm phân tích (1.165 – 1.280 điểm) khi mà các chiều thông tin tác động chủ yếu mang màu sắc trung tính: (1) Thị trường tiền tệ mặc dù trong trạng thái không mấy dư giả nhưng vẫn trong khả năng ổn định của NHNN, (2) Chưa có thông tin mới ngoài kỳ vọng từ thị trường thế giới, và (3) Các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong quý I/2024.

 Nguồn: VDSC

  Nguồn: VDSC 

Bước sang tháng 6, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II vẫn chưa sôi động, những yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước vẫn là những nhân tố xúc tác chính trên TTCK. 

Về phía quốc tế, dự báo tâm điểm thị trường sẽ hướng về các cuộc họp “quyết định lãi suất” của các NHTW lớn bao gồm BoC, ECB, BoJ, FED, và BoE. Nhóm phân tích VDSC kỳ vọng BoC, ECB, và BoE sẽ lần lượt thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 2 năm, trong khi đó FED vẫn giữ nguyên lãi suất hiện tại nhưng thông điệp đưa ra sẽ “Bồ Câu” hơn dựa trên những dữ liệu về tăng trưởng, lạm phát và việc làm mới đây.

Việc FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức cao hàm ý khả năng USD gây áp lực lên nhiều đồng tiền khác trong ngắn hạn do sự chênh lệch lãi suất. Trong kịch bản đó, nhiều khả năng áp lực lên tỷ giá VND sẽ gia tăng trở lại, đặc biệt vào những thời điểm trước ngày họp quyết định lãi suất. Tuy nhiên, theo VDSC, đồng USD khó giữ áp lực này được lâu vì dư địa cắt lãi suất của Mỹ là rất lớn. 

Cơ sở cho nhận định này đến từ 3 yếu tố. Thứ nhất, lạm phát hạ nhiệt trở lại trong báo cáo mới đây và dự kiến sẽ đẩy nhanh hơn do hiệu ứng “lạm phát đuổi kịp. Thứ hai, lạm phát do yếu tố cầu kéo đang về lại ngưỡng trung bình trong giai đoạn trước đây cho thấy tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kìm hãm lạm phát là có hiệu quả và đang đạt ngưỡng giới hạn. Cuối cùng, nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc mạnh khi tăng trưởng GDP có điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ (SAAR) giảm từ 3,4% trong quý IV/2023 về mức 1,3% trong quý I/2024. 

“Chúng tôi không loại trừ khả năng FED thay đổi lập trường sớm hơn kỳ vọng của thị trường hiện tại để tránh bỏ lại phía sau “đường cong” và qua đó giúp nền kinh tế hạ cánh mềm”, báo cáo của VDSC nhận định.

  Nguồn: VDSC 

Trong nước, dữ liệu vĩ mô Việt Nam mới đây ghi nhận sự tích cực về sản xuất và tiêu dùng, củng cố cho triển vọng tăng trưởng GDP quý II khả quan. 

Về chính sách tiền tệ, ở đoạn cuối con đường ứng phó với chu kỳ thắt chặt tiền tệ của các NHTW lớn, VDSC kỳ vọng NHNN vẫn còn dư địa để neo giữ bằng lãi suất trong biên độ hợp lý thông qua các nghiệp vụ thị trường mở như phát hành tín phiếu, cầm cố giấy tờ có giá, và bán USD giao ngay với mục đích duy trì một lượng thanh khoản hợp lý thay vì trạng thái dư thừa như trước đây, đồng thời thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VND giúp cho áp lực rút ròng USD dịu dần trước khi FED thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên. 

Do đó, mặc dù áp lực tỷ giá liên tục mạnh trong thời gian gần đây và NHNN đã có những hành động quyết liệt để giảm áp lực cho tỷ giá, nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất điều hành và lãi suất trong nền kinh tế sẽ chưa có biến động bất thường. 

Bên cạnh đó, Chính phủ mới đây đã trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, và Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn kế hoạch ban đầu. Nếu được thông qua trong tháng 6, sự tích cực từ nhóm cổ phiếu bất động sản (chiếm 14% vốn hóa rổ  VN-Index) có thể tác động tích cực đến thị trường.

 

Với trọng số vốn hóa lớn và đứng thứ 2 trong rổ VN Index (~14%), việc giao dịch tích cực của nhóm bất động sản nhờ yếu tố hỗ trợ kể trên có thể góp phần nâng đỡ thị trường trong tháng tới.

Nhóm phân tích VDSC

Về điểm số, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.250-1.320 điểm trong tháng 6. Trong kịch bản cơ sở, kỳ vọng diễn biến vĩ mô tích cực có thể giúp chỉ số duy trì động lượng vượt đỉnh cũ ngắn hạn mới đây. Ở chiều ngược lại, áp lực tỷ giá mạnh hơn có thể khiến NHNN khó giữ được định hướng mặt bằng lãi suất hiện tại và gián tiếp tác động tiêu cực lên kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như điểm số của thị trường.

Chiến lược đầu tư: Ưu tiên nắm giữ

Với kỳ vọng triển vọng tăng trưởng kinh tế quý II khả quan sẽ lấn át bối cảnh không mấy thuận lợi của thị trường tiền tệ, trong phần khuyến nghị đầu tư của mình, nhóm phân tích VDSC cho rằng NĐT vẫn có thể tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp mà lợi nhuận có thể phục hồi dần theo quý, hoặc tăng trưởng theo năm trong các nhịp giằng co của thị trường trong tháng 6. 

“NĐT đã mua vào cổ phiếu theo danh mục ưa thích của chúng tôi kiên nhẫn nắm giữ để có thể đạt mức sinh lời tốt hơn việc lướt sóng ngắn hạn”, VDSC cho hay. 

Gợi ý một số nhóm ngành, VDSC cho rằng thép là một trong những ngành kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ duy trì ở mức cao trong các quý còn lại của năm 2024. Mặc dù biên lợi nhuận quý II/2024 của ngành có thể chưa cải thiện so với quý đầu năm, nhóm phân tích kỳ vọng xu hướng biên lợi nhuận sẽ khả quan dần trong nửa cuối năm khi giá bán phục hồi. 

Trong nhóm thép, HPG là cổ phiếu đầu ngành thép ưa thích của VDSC, trong khi GDA (chưa định giá) là tên tuổi trong ngành tôn mạ đáng quan tâm. Xét về câu chuyện phục hồi lợi nhuận quý so với cùng kỳ, VDSC gợi ý NĐT có thể giao dịch ngắn hạn với cổ phiếu HSG theo các nhịp biến động của thị trường.

Ngoài ra, theo dòng câu chuyện KQKD quý II khả quan, VDSC cho rằng cổ phiếu thuộc các nhóm ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, hàng không, ngân hàng cũng là những cổ phiếu mà NĐT có thể cân nhắc giải ngân trong các nhịp điều chỉnh của thị trường.