Vé máy bay nội địa đắt đỏ dịp lễ 30/4 – 01/5, các gia đình rủ nhau “bỏ phố về quê”

Diệp Anh 14:21 | 25/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một chủ homestay ở Măng Đen cho biết do kì nghỉ lễ dài ngày nên toàn bộ phòng ở homestay đã kín chỗ. Khách du lịch chủ yếu ở các tỉnh lân cận di chuyển bằng đường bộ đến khu du lịch này.

  Công ty lữ hành đắn đo trong việc bán tour trong nước dịp lễ

Kì nghỉ lễ dịp 30/4-1/5 năm nay diễn ra khá gấp gáp cho quyết định nghỉ lễ muộn, điều này khiến các công ty lữ hành rơi vào thế bị động và không kịp ứng phó xây dựng và bán các tour trong nước, đồng thời giá vé máy bay từ đầu năm tăng phi mã khiến các chủ doanh nghiệp mảng lữ hành cũng đắn đo trong việc bán tour nội địa.Ví dụ: giá vé máy bay từ Hà Nội  - Phú Quốc hạng phổ thông, bay dịp lễ khứ hồi lên tới 8 triệu đồng/khách, hạng thương gia lên tới 15 triệu đồng/ khách. Nếu tính hai vợ chồng và một con nhỏ thì chỉ tính giá vé để du lịch nội địa dịp lễ đã lên tới 20 triệu đồng, chưa bao gồm các chi phí ăn ở, đi lại,…

Trong khi đó, các tour nước ngoài giá cạnh tranh hơn hẳn, giá vé rẻ hơn, lại được đi nước ngoài nên hầu hết nhóm du khách có nhu cầu bay sẽ chọn tour nước ngoài.

 

 Gía vé máy bay dịp lễ cho một khách một chiều (Ảnh chụp màn hình)

Ông Phạm Duy Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Bàn chân Việt (Vietfoot Travel) chia sẻ với truyền thông về việc giá vé máy bay quá cao khiến một lượng khách chuyển xu hướng du lịch trong nước sang du lịch nước ngoài. Công ty của ông cũng đắn đo trong việc xây và bán tour nội địa dịp này vì nếu giá vé máy bay không giảm thì giá tour sẽ tăng lên 10%-15%.

Nhiều gia đình đổi gu du lịch dịp lễ

Lựa chọn “bỏ phố về quê” nghỉ ngơi bên gia đình hoặc đi du lịch ở những vùng lân cận, sử dụng các phương tiện đường bộ như tàu hỏa, xe cá nhân, ô tô khách,… là sự lựa chọn của nhiều gia đình trong dịp lễ 30/4 – 01/5 này.  

Ở miền Bắc, theo khảo sát của phóng viên Tạp chí Doanh nhân Việt Nam thì một số homestay ở khu vực Ba Vì, Đại Lải, Sóc Sơn,… hoặc xa hơn chút là khu vực Lương Sơn, Mai Châu (Hòa Bình) làng Thái Hải (Thái Nguyên) đều đã “cháy phòng”. Chị Thu Trang (đại lý booking của công ty Strip Việt Nam) cho biết: “Từ đầu tháng 4, các tour miền Bắc như Hà Giang, Sapa (Lào Cai) hoặc Cao Bằng, Quảng Ninh,.., đều được khách công sở lựa chọn. Do dịp nghỉ lễ mới được chốt nghỉ liền ngày nên đại lý của tôi tăng nhẹ doanh số khoảng 20% so với ngày thường. Các tour chủ yếu với các gia đình là các villa gần Hà Nội, giá phòng tăng khoảng 15% so với ngày cuối tuần nhưng khách vẫn lựa chọn bởi họ cảm thấy mức giá đó vẫn phù hợp hơn việc đi du lịch trong nước bằng máy bay”.

 "Làng du lịch tốt nhất thế giới 2022" Thái Hải (Thái Nguyên) đã kín phòng dịp lễ 30/4 - 01/5

Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, miền đất Măng Đen (Kon Plong – Kon Tum) đang là điểm đến “chữa lành” yêu thích của  nhiều du khách. Thị trấn Măng Đen hiện đang ở tình trạng “cháy phòng” dịp lễ do du khách ở Quảng Ngãi, Buôn Ma Thuột,… tìm đến nghỉ ngơi. Được mệnh danh là “Đà Lạt của Tây Nguyên”, Măng Đen có thiên nhiên tươi đẹp, tuy nhiên việc di chuyển hơi khó khăn, giá vé máy bay dịp này cũng tăng cao nên du khách ở xa muốn nghỉ lễ dịp này thì phải có kế hoạch từ trước. Anh Thái Hòa – chủ một homestay ở trung tâm thị trấn cho biết, vào dịp Lễ Tết thì khu nghỉ của anh và các khu nghỉ khác ở đây đều ở tình trạng kín phòng do giá nhích nhẹ so với ngày thường, đồng thời không khí trong lành và chưa bị đô thị hóa nên nhiều du khách vẫn chọn Măng Đen là điểm đến yêu thích.

 Anh Thái Hòa - chủ homstay ở Măng Đen (Kon Tum)

Ở khu vực miền Tây Nam Bộ, chủ của homestay ở Cái Bè (Tiền Giang) và Phong Điền (Cần Thơ) cho biết lượng khách du lịch quốc tế vẫn ổn định và tìm đến các khu sinh thái ở đây, tuy nhiên một lượng lớn du khách là nhóm gia đình cũng đã đặt phòng tại các homestay của anh. Anh Bích chia sẻ, lượng khách lưu trú tại homestay chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và một vài thành phố, tỉnh thành lân cận muốn cùng gia đình đi đổi gió dịp lễ, chủ yếu di chuyển bằng ô tô khách và xe cá nhân. Khách từ các khu vực như Hà Nội hay các thành phố miền Bắc và miền Trung ít có, chủ yếu là khách đã đặt vé từ trước khi có đợt tăng giá.

 Một hoạt động trải nghiệm yêu thích ở miền Tây (Ảnh: mekong rutics)

 

Theo nhà báo Vũ Kim Hạnh (nguyên TBT báo Tuổi trẻ) chia sẻ trên kênh Youtube của mình về việc giá vé máy bay tăng quá cao là “ám sát” ngành du lịch. Bởi giá vé máy bay nội địa quá cao, trong khi bay quốc tế lại rẻ hơn, dẫn đến việc khách du lịch chuyển hướng đi đi nước ngoài, gây thất thoát kinh tế. Trong khi hàng không các nước như Thái Lan, Singapore tung chiêu khuyến mãi để kích cầu du lịch thì hàng không Việt Nam hồn nhiên “đuổi khách”.