Vì đâu 'vua bánh kẹo' một thời KIDO lỗ đậm hơn 150 tỷ đồng trong quý I/2023?

Diên Vỹ 16:50 | 24/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quý I/2023, CTCP Tập đoàn KIDO (KIDO, mã: KDC) báo doanh thu thuần đạt 2.060 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, KIDO lỗ sau thuế gần 151 tỷ đồng, khoản lỗ đậm nhất kể từ khi niêm yết đến nay.

Lợi nhuận KIDO chạm đáy khi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng vọt 5 lần

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 vừa công bố, KIDO báo doanh thu thuần giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.060 tỷ đồng. Giá vốn cũng giảm tương ứng 28% xuống 1.672 tỷ đồng, theo đó lãi gộp của KIDO đạt 388 tỷ đồng. Mức lãi gộp này giảm 29% so với cùng kỳ nhưng tính chung biên lãi gộp trong quý vẫn đạt khoảng 18,8%, cao hơn một chút so với 18,5% của cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính của KIDO tăng mạnh gấp 4,8 lần so với cùng kỳ, lên gần 105 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng 62% lên 89 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay (86 tỷ đồng). 

Trong quý, chi phí bán hàng tăng 5% lên 311 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý được tiết giảm 10% xuống 90 tỷ đồng. 

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của KIDO trong quý đạt gần 5 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 150 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lãi trước thuế đạt gần 6 tỷ đồng so với mức 152 tỷ đồng cùng kỳ. Mức giảm mạnh chủ yếu đến từ phần giảm của lãi gộp. nhưng đây không phải nguyên nhân chính khiến KIDO lỗ đậm trong quý này.

Theo báo cáo tài chính, trong kỳ, KIDO ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành lên tới 305 tỷ đồng. Trừ thu nhập thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại là 149 tỷ đồng; KIDO vẫn phải chi 156 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, gấp 5 lần so với cùng kỳ (31 tỷ đồng). Đây mới là nguyên nhân đưa KIDO đến khoản lỗ ròng 151 tỷ đồng trong quý (so với cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 121 tỷ đồng). Tuy nhiên, báo cáo không thuyết minh chi tiết về khoản mục thuế thu nhập doanh nghiệp này.

Từ khi niêm yết đến nay, đây là quý lỗ đậm nhất mà tập đoàn từng ghi nhận.

  Ảnh: BCTC KIDO quý I/2023 

Năm nay, KIDO đặt kế hoạch doanh thu thuần 15.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2022 và lợi nhuận trước thuế là 900 tỷ đồng, tăng 76%. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, tập đoàn mới thực hiện được gần 14% kế hoạch doanh thu và thậm chí còn “đi lùi” khá xa vạch xuất phát của kế hoạch lợi nhuận.

 

Hậu thoái vốn khỏi Calofic, khoản mục đầu tư vào công ty liên doanh liên kết của KIDO còn những cái tên nào?

Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của KIDO giảm 5% so với cùng kỳ, xuống mức 13.237 tỷ đồng. Trong đó chiếm đa số là tài sản ngắn hạn với lượng tiền và các khoản tương đương tiền tăng 106%, đạt 2.272 tỷ đồng.

Ngoài ra, KIDO còn có 472 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn, bao gồm 440 tỷ đồng là trái phiếu của CTCP Chứng khoán Rồng Việt và 32 tỷ đồng tại ngân hàng Eximbank.

Tính đến cuối quý I/2023, KIDO cho hai cá nhân là cổ đông của công ty con là bà Lê Thị Mỹ Vinh và ông Trần Hoàng Nam vay với số tiền 288 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Nam cũng nhận ủy thác đầu tư 97 tỷ đồng từ KIDO.

Đáng chú ý, vào ngày 31/03/2023, Vocarimex - Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, đơn vị do KIDO sở hữu 87,3% vốn cổ phần đã hoàn thành việc thanh lý toàn bộ cổ phần tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) cho công ty Siteki Investment Pte Ltd (thuộc tập đoàn Wilmar International Limited, Singapore). Giá chuyển nhượng gần 2.158 tỷ đồng.

Với thương vụ trên, mục đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết của KIDO ghi nhận giảm 52% so với đầu năm, xuống mức 1.887 tỷ đồng. Trong đó bao gồm khoản đầu tư 50% cổ phần tại CTCP Lavenue (lĩnh vực chính là kinh doanh BĐS) trị giá 1.070 tỷ đồng, 40% sở hữu tại Công ty TNHH Mỹ phẩm LG Vina trị giá 579 tỷ đồng; 99 tỷ đồng cho 50% sở hữu tại CTCP Chế biến thực phẩm Dabaco - Dabaco Food và 142 tỷ đồng cho 49% sở hữu tại Công ty TNHH Liên doanh Thực phẩm và đồ uống Vibev.

 Ảnh: BCTC KIDO quý I/2023

Mới đây, ngày 19/4, KIDO cũng công bố kế hoạch đầu tư hướng tới sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát. Cụ thể, KDC sẽ đầu tư vào doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu này thông qua 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, KIDO mua lại 25% cổ phần. Giai đoạn 2, KIDO tiếp tục tăng tỷ lệ đầu tư lên từ 51% đến tối đa 70% vốn.

Thông qua hoạt động đầu tư này, KIDO đặt kế hoạch doanh thu trong năm 2023 cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của công ty ở mức tổng cộng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận kế hoạch là 200 tỷ đồng. Đây là khoản đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch của tập đoàn.

Trước đó, hồi cuối tháng 2, HĐQT KIDO cũng đã thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Thực phẩm và Gia vị TA với ngành nghề chính là chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, cụ thể là chế biến và bảo quản nước mắm. Vốn điều lệ dự kiến là 200 tỷ đồng, trong đó KIDO góp 98%. Ông Trần Kim Thành sẽ là người đại diện quản lý phần vốn góp của tập đoàn tại Gia vị TA.

Theo định hướng năm 2023, KIDO sẽ tách ra hoạt động kinh doanh theo 4 nhóm ngành trong đó nước mắm là một trong những ngành quan trọng, bên cạnh dầu ăn, kem, bánh kẹo.

Về phía nguồn vốn, tính đến ngày 31/3/2023, tổng nghĩa vụ nợ trên báo cáo tài chính của KIDO ghi nhận 6.336 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, nợ vay trái phiếu ghi nhận đến cuối kỳ là 743 tỷ đồng, bao gồm 495,5 tỷ đồng trái phiếu dài hạn và 247,5 tỷ đồng trái phiếu đến hạn phải trả. Cùng đó, KIDO có khoản vay ngắn hạn tại 6 ngân hàng với tổng giá trị vay 3.698 tỷ đồng.