Tiếp tục M&A, KIDO muốn 'thâu tóm' thương hiệu bánh bao Thọ Phát

Lạc Lạc 13:53 | 19/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn KIDO (mã: KDC) vừa công bố thông tin sẽ đầu tư để nắm quyền chi phối tại công ty sở hữu Thương hiệu Thọ Phát.

Theo đó, KDC dự kiến đầu tư vào doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát thông qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 mua 25% cổ phần và giai đoạn 2 sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% (tối đa đến 70%) với thương hiệu Bánh bao Thọ Phát.

Theo KDC, thương vụ này nằm trong chiến lược phát triển mở rộng. Ông Trần Lệ Nguyên – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KDC cho biết: “Việc đầu tư để nắm quyền chi phối doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát là một trong những chiến lược quan trọng của KDC trong việc tiếp tục mở rộng danh mục thực phẩm. Qua thời gian thảo luận, chúng tôi đã đi đến cam kết chung là KDC sẽ đầu tư và mua 25% cổ phần từ Công ty sở hữu thương hiệu Thọ Phát trong giai đoạn 1. Kế tiếp, trong giai đoạn 2, chúng tôi sẽ tăng tỷ lệ đầu tư lên từ 51% đến 70%”.

Thông qua hoạt động đầu tư và M&A này, KDC đặt kế hoạch doanh thu cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của Tập đoàn, dự kiến sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận kế hoạch là 200 tỷ đồng năm 2023, đây là khoản đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch của Tập đoàn trong năm nay.

Công Ty TNHH MTV Chế Biến Thực Phẩm Thọ Phát là chủ sở hữu duy nhất của thương hiệu bánh bao Thọ Phát, với xuất phát điểm là một tiệm bánh bao thủ công có mặt trên thị trường từ năm 1987. Thọ Phát hiện tại có hơn 4.000 điểm bán hàng trên các kênh truyền thống, hiện đại và tiện ích tại Việt Nam với các dòng sản phẩm: Bánh baoBánh giò – Xôi; Bánh nướng – Bánh chiên,...

Doanh nghiệp này hiện sở hữu diện tích hơn 22.000m2, nhà máy sản xuất tại TP HCM với công suất 10.000 tấn sản phẩm cung cấp ra thị trường mỗi năm.

KDC là Tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, hiện đang dẫn đầu thị trường ở ngành kem lạnh với thị phần nắm giữ chiếm 44,5% (Theo số liệu mới nhất từ Euromonitor) , trong đó thương hiệu Merino chiếm 24,2% và thương hiệu Celano chiếm 19,2%. Bên cạnh đó, với thị phần 74,9%, KIDO đang dẫn đầu ngành bơ thực vật tại Việt Nam, đồng thời xếp vị trí thứ 2 ở ngành dầu ăn với khoảng 30% thị phần (theo tỷ lệ sở hữu và chi phối).

Năm 2021, Tập đoàn chính thức quay lại ngành hàng bánh, KIDO’s Bakery là thương hiệu được tập đoàn đầu tư và đẩy mạnh kinh doanh và hướng đến vị trí số 2 trong ngành hàng bánh tại Việt Nam trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Hiện, KDC có hệ thống kênh phân phối với 450.000 điểm bán ngành hàng khô, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh trên toàn quốc. Lợi thế này sẽ giúp Thọ Phát đưa sản phẩm ra thị trường Miền Trung, Miền Bắc và xuất khẩu ra thế giới.

Tại kỳ họp cổ đông cuối năm ngoái, lãnh đạo KDC cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung vào 4 mảng chiến lược trong năm 2023 là dầu ăn, kem, bánh kẹo và nước chấm.

 Ảnh: CafeBiz

 

Điểm lại những thương vụ M&A nổi tiếng của KDC

Năm 2003: Mua lại thương hiệu kem Wall's từ Unilever, thành lập CTCP kem KIDO

Năm 2008: Đầu tư vào Nutifood

2010-2012: Sáp nhập Công ty Kinh Đô miền Bắc, Công ty KIDO, Vinabico

2014: Chuyển nhượng mảng bánh kẹo và thương hiệu Kinh Đô cho tập đoàn Mondelēz International với giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng.

2018: Hoàn tất hợp nhất thương hiệu dầu ăn Vocarimex và Tường An vào Tập đoàn KIDO

Năm 2020: Quay lại ngành bánh trung thu, tăng vốn điều lệ lên 2.800 tỷ đồng. 

Năm 2021: Liên doanh Vibev được thành lập giữa Vinamilk và KIDO; Hợp tác đầu tư phát triển mảng bán lẻ, đầu tư bất động sản với Tập đoàn Sơn Kim

Năm 2022: Giải thể Vibev

Năm 2023: Đầu tư 200 tỷ đồng thành lập công ty chế biến nước mắm; mua lại công ty sở hữu thương hiệu Thọ Phát. 

 

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp