Vì sao 5 địa phương đề nghị trả lại 1.617 tỷ đồng vốn đầu tư công?

09:37 | 03/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Tài chính đã nhận được văn bản hoặc ghi nhận thông tin từ năm địa phương, đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng số vốn là 1.617,2 tỉ đồng, gồm 953,4 tỉ đồng vốn cấp phát là và 663,8 tỉ đồng vốn vay lại.
Mặc dù được đánh giá là đã được cải thiện trong 2 tháng vừa qua, tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài vẫn còn trì trệ và nhiệm vụ đặt ra cho giải ngân vốn đầu tư trong những tháng cuối năm còn rất nặng nề. Nguyên nhân khiến cho việc giải ngân chậm trễ, theo đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại một phần do nguồn vốn năm 2019 được chuyển nguồn, kéo dài song song với công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2020.
 
Ngoài ra, công tác thực hiện đầu tư như giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu kéo dài; dự án đầu tư liên tục phải điều chỉnh… nên nhiều địa phương không thể thực hiện được kế hoạch và đã có văn bản đề nghị trả lại kế hoạch vốn. Đến nay, đã có 5/62 địa phương có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trả lại kế hoạch vốn, tổng số 1.617, 2 tỉ đồng, trong đó vốn cấp phát là 953,4 tỷ đồng, vốn vay lại là 663,8 tỷ đồng.

Vì sao 5 địa phương đề nghị trả lại 1.617 tỷ đồng vốn đầu tư công? - ảnh 15 địa phương đề nghị trả lại vốn đầu tư công với tổng số 1.617 tỷ đồng (ảnh minh họa)

Như vậy, tính đến thời điểm này, không phải chỉ ở nhóm địa phương, mà trước đó, đại diện 7 bộ, ngành cũng cho biết, do không giải ngân được, xin hoàn trả số vốn lên đến 4.099 tỷ đồng, trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin hoàn trả số vốn lớn nhất, lên đến 1.800 tỷ đồng; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin trả lại số vốn 1.135 tỷ đồng; còn lại một số bộ xin trả lại số vốn từ 87 đến 500 tỷ đồng.

Báo TTXVN cho hay, ngoài ra các dự án giải ngân phụ thuộc vào kết quả đầu ra sẽ cần xác nhận kiểm đếm của Kiểm toán Nhà nước, ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Thế giới. Cùng với đó, một số dự án chưa có khối lượng để giải ngân do chậm đấu thầu, chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng; dự án không tiếp nhận được thiết bị, chuyên gia từ nước ngoài do dịch bệnh COVID-19...
 
Cụ thể, ông Nguyễn Doãn Toản – Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – cho biết, dự án tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội - đoạn Nhổn - Ga Hà Nội - còn vướng mắc về thủ tục tạm ứng gói thầu số 9 do Bộ Tư pháp chưa cấp hiệu lực pháp lý cho Hiệp định vay bổ sung 20 triệu euro với Chính phủ Pháp. Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội hiện vướng mắc về thủ tục điều chỉnh dự án.
 
Do đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội kiến nghị cần sớm có văn bản điều chỉnh chủ trương dự án và bố trí vay vốn nước ngoài, phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án để sớm hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và thúc đẩy việc giải ngân trong năm 2020.
Còn đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, một số dự án khi điều chỉnh thiết kế và các hạng mục dự án thường mất nhiều thời gian do cần lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương.
 
Tương tự, đại diện TP Hồ Chí Minh cho biết, giải ngân vốn ODA, vốn vay lại nước ngoài ở địa phương 8 tháng qua đạt khoảng 4.637,4 tỷ đồng, bằng 44,2% kế hoạch, vốn ODA cấp phát từ trung ương đã giải ngân hơn 1.399 tỷ đồng, đạt 27,7% kế hoạch. Nguyên nhân chậm, do tổng kế hoạch vốn ODA vay lại, cấp phát của Trung ương bố trí cho dự án Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là 12.124 tỷ đồng, chiếm 78% tổng kế hoạch vốn ODA của thành phố, nên việc triển khai chậm đối với dự án này cũng ảnh hưởng tới tình hình giải ngân chung của toàn thành phố. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam, máy móc thiết bị phục vụ cho dự án chưa thể nhập khẩu vào Việt Nam...
 
Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn nước ngoài có nhiều ràng buộc về các chỉ tiêu như chất lượng môi trường, xã hội... cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
 
Vì sao 5 địa phương đề nghị trả lại 1.617 tỷ đồng vốn đầu tư công? - ảnh 2
Nhiều vướng mắc khiến cho giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài chậm trễ.
 
Đại diện thành phố Cần Thơ chia sẻ, những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài ở địa phương còn thấp gồm: Đăng ký vốn chưa sát thực tế, chưa lường hết được các vấn đề trong quá trình triển khai, công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư chưa hợp lý khiến dự án cần điều chỉnh nhiều lần làm mất nhiều thời gian thực hiện, theo tạp chí TCDN.
 
Như vậy, thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, Thứ trưởng Trần Xuân Hà yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ để có thể hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020. Cụ thể, các địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết dự toán còn lại đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để có cơ sở giải ngân. Trường hợp không có nhu cầu phân bổ tiếp số vốn còn chưa phân bổ hoặc trả lại số vốn không sử dụng, cần báo cáo ngay Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển kế hoạch vốn.
 
Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo các chủ dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn và kéo dài trên 3 tháng nhưng chưa báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ cần khẩn trương hoàn tất thủ tục lập đơn rút vốn hoàn chứng từ đối với khối lượng công việc đã hoàn thành và đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi, không đợi dồn vào cuối năm mới làm thủ tục hoàn chứng từ. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân từ các tài khoản này.
 
Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án để tiến hành kiểm đếm ngay cho từng dự án. Đối với Chương trình cấp điện nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương sớm rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn để thông báo cho các địa phương kịp thời điều chỉnh dự toán năm 2020, đảm bảo không giải ngân vượt vốn viện trợ đã rút về Ngân sách nhà nước.
 
Nguyễn Triệu (T/H)